Sản xuất lúa theo hướng hiện đại - bước đột phá của Đồng Tháp

24/05/2011

Với sản lượng lúa toàn tỉnh 2,8 triệu tấn, Đồng Tháp được xếp vào hàng thứ 3 về sản lượng sau Kiên Giang và An Giang nhưng năng suất lại đứng vào hàng thứ hai của khu vực. Bằng những giải pháp hữu hiệu, Đồng Tháp đang phấn đấu hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững, chất lượng cao. NNVN đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thành Hưởng (ảnh), GĐ TTKN-KN Đồng Tháp xung quanh vấn đề này.

Ở góc độ lãnh đạo đơn vị chuyển giao trực tiếp những tiến bộ KHKT nông nghiệp cho nông dân, xin ông cho biết vấn đề quan tâm nhất hiện nay của TTKN-KN là gì?
Đồng Tháp là tỉnh có diện tích đất trồng lúa và sản lượng lúa cao của cả nước. Nhằm tăng sản lượng, giá trị sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa, tạo chuyển biến về mặt tư duy, tập quán sản xuất trong đại bộ phận nông dân theo hướng mới, Sở NN-PTNT Đồng Tháp xây dựng Đề án “Xây dựng cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hiện đại” giai đoạn 2008-2011. “Hiện đại” ở đây là sản xuất đồng loạt, tập trung qui mô lớn, áp dụng đồng bộ cơ giới vào sản xuất từ khâu làm đất, gieo sạ, chăm sóc đến thu hoạch, vận chuyển.
Với mô hình “Xây dựng cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hiện đại” từ vụ ĐX 2008-2009, Đồng Tháp đã tổ chức triển khai tại hai HTXNN Tân Cường, xã Phú Cường, Tam Nông và HTXNN Thắng Lợi, xã Mỹ Đông, Tháp Mười. Đến nay trên toàn tỉnh đã có 8 cánh đồng với qui mô 60-400 ha/cánh đồng, trong đó 4 cánh đồng do Ban điều hành cấp tỉnh theo dõi thực hiện, tiếp tục triển khai 2 cánh đồng trong vụ TĐ 2011, trên tổng diện tích thực hiện 1.519 ha với 1.190 hộ nông dân tham gia.
Và đây chính là bước đột phá của nông nghiệp Đồng Tháp?
Đúng vậy. Qua 6 vụ triển khai, với mục đích sản xuất lúa chất lượng cao, áp dụng các tiến bộ KHKT vào đồng ruộng đã giúp nông dân nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý đồng ruộng. Xã viên HTX được cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp chuyển giao tiến bộ KHKT, hướng dẫn sạ lúa theo hàng bằng máy, bón phân cân đối theo bảng so màu lá lúa, quản lí tốt cỏ dại, quản lý nước theo các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), không phun thuốc trừ sâu sớm trước 40 ngày sau sạ, thường xuyên thăm đồng phát hiện kịp thời các loại sâu bệnh để có biện pháp phòng trị hiệu quả…, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ trong và sau thu hoạch góp phần nâng cao chất lượng lúa gạo.
Trong kỹ thuật canh tác, sử dụng 1-3 loại giống chất lượng cao, sạ hàng với định mức từ 80-120 kg giống/ha, tiết kiệm 80kg giống/ha/vụ. Phun thuốc BVTV đồng loạt 60-70% diện tích khi có dịch hại, lượng phân bón giảm bình quân từ 30-37 kg/ha; số lần phun xịt thuốc giảm 1-2 lần/vụ; chi phí thuốc BVTV giảm bình quân 1,4 triệu đồng/ha; ứng dụng cơ giới hóa khâu thu hoạch đạt 80%, sản lượng lúa sấy 40% trở lên.
Thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu giống lúa với Trung tâm giống, xúc tiến đăng ký kinh doanh giống và xây dựng thương hiệu sản xuất kinh doanh lúa chất lượng cao. Thực hiện bao tiêu lúa hàng hóa với các Cty kinh doanh lương thực. Tổ chức các buổi tập huấn, tọa đàm để trao đổi kỹ thuật giữa nông dân và cán bộ kỹ thuật. Xây dựng và hoàn thiện các tổ SX và đội dịch vụ, hoạt động có kế hoạch và đạt hiệu quả. Tổ chức, vận động xã viên tham gia thực hiện tốt mô hình, góp thêm vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang bị phương tiện, máy móc phục vụ sản xuất đáp ứng yêu cầu xây dựng cánh đồng sản xuất lúa hiện đại. Tổ chức xuống giống đảm bảo diện tích theo kế hoạch và lịch thời vụ khuyến cáo.
 Sau khi thực hiện đề án, HTX đã được trang bị thêm một số máy phun thuốc đeo vai, máy phun thuốc kéo dây và lò sấy lúa, máy sạ hàng, giàn phun thuốc BVTV, công cụ sạ hàng và về thủy lợi đã nạo vét được thêm một số tuyến kinh chính khu vực các cánh đồng. Giá trị tăng thêm ở các cánh đồng từ việc giảm giống, giảm phân, giảm thuốc BVTV trên 2 triệu đồng/ha. Nếu áp dụng đại trà mô hình này trong toàn tỉnh thì lợi nhuận tăng thêm sẽ là một con số không nhỏ.
Triển khai mô hình này có gặp thuận lợi và khó khăn gì?
Trước hết, thành công của mô hình sẽ tạo ra khối lượng sản phẩm đồng nhất với sản lượng lớn, chất lượng cao, giá thành hạ, tăng khả năng cạnh tranh của hàng nông sản trong thời kỳ hội nhập. Về kinh tế, lúa bán ở cánh đồng mẫu này giá cao hơn giá thị trường 100-150 đồng/kg. Về mặt xã hội, diện tích và số hộ tham gia mô hình đã tăng lên theo từng vụ, trình độ nhận thức và kỹ thuật sản xuất của xã viên được nâng cao, sản xuất có hiệu quả hơn, vấn đề áp dụng cơ giới vào đồng ruộng đã phổ biến.
 So sánh thực hiện đề án, hiệu quả kinh tế, giá trị tăng thêm ở HTX cao hơn từ 2,14 - 2,57 triệu/ha so với sản xuất bình thường. Hệ thống thuỷ lợi được nâng cấp tương đối hoàn chỉnh theo hướng kết hợp với giao thông nội đồng để thuận tiện cho việc áp dụng cơ giới hóa vào cả quá trình sản xuất đến ra hạt lúa. Qua thực tế sản xuất, mô hình cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hiện đại đã chuyển đổi được cơ cấu sản xuất lúa chất lượng cao, giúp nông dân nâng cao kỹ năng trong sản xuất, quen dần với hướng sản xuất hợp tác.
 Việc thực hiện cánh đồng hiện đại đã được đông đảo xã viên đồng tình hưởng ứng. Bà con hiểu rõ một điều quan trọng nhất: tham gia cánh đồng hiện đại nhằm giúp nông dân quản lí ruộng lúa hiệu quả hơn bằng cách áp dụng tổng hợp các biện pháp KHKT trong canh tác, giảm chi phí đầu tư, tăng cao lợi nhuận và nâng cao chất lượng hạt lúa. Bên cạnh đó, nông dân còn tham gia SX lúa giống để đáp ứng nhu cầu nguồn lúa giống chất lượng cho xã viên là nông dân trong HTX.
 Xin cám ơn ông!
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/78428/Default.aspx


Tin khác