Biến một sào thành... một mẫu!

16/05/2011

“Mỗi khẩu bình quân chỉ còn sào ruộng, mưa thuận gió hòa thì một năm được 4 tạ thóc, trừ chi phí đi chỉ còn 2 tạ, trăm thứ nhòm vào đó, ăn còn chả đủ nói gì khấm khá”. Đó là câu “đầu miệng” của bà con nông dân mà chúng tôi nghe được mỗi lần về tỉnh lúa Thái Bình.

Đất cấy ít thì thóc ít, đó là cách làm thông thường và cách nghĩ thông thường. Nhưng có nhiều người không nghĩ vậy, mà một trong những người đó là anh Bùi Quốc Sự ở thôn Minh Xuyên, xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, Thái Bình. Nhà anh ở cạnh khu chuyên mầu của xã rộng tới gần 200 ha, trước nay mỗi năm 2 vụ ngô một vụ đỗ, ai lăn lộn lắm thì mỗi sào, trừ chi phí đi chỉ còn lãi ròng được trên dưới 1 triệu. Có cách nào làm tăng giá trị của mỗi sào đất lên không?
Câu hỏi đó chẳng biết đã “ám” vào anh từ lúc nào, chỉ biết rằng nó đã trở thành một động lực thúc đẩy anh. Và sau không biết bao nhiêu đêm trăn trở, sau không biết bao nhiêu dặm đường bôn ba tìm hiểu thị trường, tìm nguồn tiêu thụ, anh đã có câu trả lời, đó là cây ớt, một thứ cây mà xưa nay ai cũng thấy rất thường, trái ớt chỉ được coi như một thứ gia vị trong bữa ăn, có cũng được mà chẳng có cũng không sao.
Nắm chắc được nhu cầu về ớt của thị trường rồi, Sự bắt tay vào trồng ớt. Không có đất thì thuê đất, 6 ha đất (142 sào Bắc bộ) của dân được anh thuê lại với giá 1,5 triệu/sào/năm. Một anh nhà quê dám bỏ ra mỗi năm hơn 200 triệu thuê đất để trồng một thứ cây chưa từng có ở địa phương khiến không ít người ngạc nhiên. Nhưng ngạc nhiên hơn nữa là anh dám bỏ ra một ngày 60 ngàn để thuê chính những người đã cho anh thuê ruộng để trồng ớt cho anh. Mỗi ngày, bình quân 30 người làm phần lớn là phụ nữ và người già, riêng tiền công đã gần 2 triệu.
Với những người đã cho anh thuê ruộng, lại được anh thuê làm, thì đó là điều không ai có thể ngờ. Một “công nhân ớt” của Bùi Quốc Sự đã bộc bạch với chúng tôi:
- Mỗi năm chẳng phải chân lấm tay bùn gì mà được không 1,5 triệu một sào, còn hơn cả tự mình trồng ngô, trồng đỗ. Làm cho ông Sự mỗi tháng 1,8 triệu, vị chi 1 năm hơn 20 triệu nữa, công nhân ở các khu công nghiệp, thì cũng chỉ đến thế là cùng. Mà chúng tôi còn hơn công nhân các khu công nghiệp ở chỗ chẳng phải đi đâu xa, cứ sáng chiều đi làm rồi ngày hai bữa cơm nhà mà chén.
Anh Sự cho biết:
- Năm nay là năm thứ 3 cây ớt bén duyên với đất Hồng Minh này rồi. Cây ớt dễ trồng, sống khỏe, ít bệnh tật, chỉ cần quan tâm đề phòng nhện đỏ, sâu đục quả và bệnh sương mai, bệnh thán thư… là an toàn, mà những thứ đó đều đã có thuốc đặc trị rồi. Xét cho cùng, thì trồng ớt nhàn hơn trồng ngô, trồng đỗ rất nhiều.
Cánh đồng ớt 6 ha của Bùi Quốc Sự đang sắp chín, chủ yếu là ớt chỉ thiên, ra quả quanh năm. Mỗi sào ớt đầu tư hết khoảng 6 triệu đồng một năm (bao gồm tiền thuê đất, tiền công trả công nhân, giống, phân bón, thuốc trừ sâu, màng phủ bằng ni lông, cọc chống…). Một năm, một sào ớt cho từ 700 đến 800 kg. Với giá ớt 30.000 đồng/kg như hiện nay, thu nhập mỗi sào được từ 21 đến 24 triệu đồng. Trừ chi phí đi, mỗi sào cho lãi ròng từ 14 đến 18 triệu. Một mẫu ruộng nếu cấy lúa, một năm cao lắm là được 4 tấn thóc, trừ chi phí và công lao động đi, còn lại 2 tấn, tương đương với 15 triệu đồng.
Nói Bùi Quốc Sự đã biến 1 sào ớt thành 1 mẫu lúa, quả không sai. Hỏi ớt nhiều như thế, tiêu thụ ở đâu, anh Sự cho biết, nhiều thế chứ nhiều gấp ba gấp bốn lần thế cũng vẫn không đủ. Bán đi đâu ư? Thì vừa bán sang Tàu vừa bán trong nước. Hỏi có ý định phát triển thêm cánh đồng ớt không, Sự lắc đầu:
- Thấy trồng ớt có lãi, một số bà con có đất muốn tự làm chứ không muốn cho thuê đất nữa. Riêng điều này tôi rất ủng hộ, tôi sẵn sàng giúp bà con về kỹ thuật, và bao tiêu sản phẩm cho họ. Một số hộ khác không có sức lao động thì đòi giá thuê đất cao hơn, bây giờ muốn thuê 1 sào phải từ 1,7 đến 1,8 triệu/năm. Tôi sẵn sàng phát triển cánh đồng ớt thành năm sáu chục ha, chỉ hiềm không vốn. Vay ngân hàng không được, mà có vay được cũng không chịu nổi lãi.
Thiếu vốn, đó là bi kịch lớn nhất của những người như anh Sự. Giả sử như bây giờ có một anh Tàu, một anh Hàn Quốc hay một anh Nhật… sang đây, chỉ cần họ bỏ ra 2 triệu đồng để thuê 1 sào đất một năm, thì những người như anh rất dễ dàng bị đè bẹp. Có cách nào giúp những người như anh tháo gỡ được khó khăn đó không? Đặt câu hỏi này ra với ông Trưởng phòng NN- PTNT huyện rồi ông Chủ tịch huyện, nhưng câu trả lời mà chúng tôi nhận được vẫn chỉ là “đang tìm”.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/19/19/78247/Default.aspx


Tin khác