Cây bông xóa nghèo ở Sơn La

28/04/2011

Nhờ liên kết chặt chẽ "4 nhà", nông dân vùng sông Đà, sông Mã đã làm sống lại truyền thống trồng bông ở hai huyện Phù Yên và Bắc Yên (Sơn La).

Triển vọng sáng sủa
Nông dân vùng sông Đà, sông Mã có truyền thống trồng cây bông vải, có lúc lên đến 3.000ha. Nhưng diện tích đang giảm dần do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, không hình thành được vùng sản xuất tập trung.
Tháng 4/2010, với hình thức “liên kết 4 nhà”, Sở Công thương tỉnh Sơn La phối hợp với 2 huyện Phù Yên và Bắc Yên, Viện Nghiên cứu bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố, Công ty cổ phần sợi Việt An triển khai trồng thử nghiệm gần 300ha cây bông vải tại 23 bản, thuộc 8 xã của 2 huyện Phù Yên và Bắc Yên. Kết quả vượt ngoài mong đợi: 99% cây bông ra quả, đậu quả, trung bình mỗi ha cho thu nhập 18-20 triệu đồng. Bà con nông dân hồ hởi cho biết, so với cây bông trước đây ở nông trường Tô Hiệu (Sơn La) chỉ cao đến đầu gối, lèo tèo hoa, nhiều sâu bệnh, các giống bông mới hơn hẳn về mọi mặt. Cây cao 1,6-1,7m, tươi tốt, chi chít hoa, dù trồng trên nền đất dốc dễ bị rửa trôi. Điều này lý giải vì sao tại hội thảo sau đó về phát triển nhanh vùng nguyên liệu bông của tỉnh Sơn La, đồng bào các dân tộc tới dự đông đảo, kiến nghị đưa diện tích cây bông lên 3.000 - 4.000ha ngay trong năm 2011.
Các giống mới vượt trội so với các giống trước đây. Nhiều cây có đến 100 quả, vượt xa chỉ tiêu số lượng 25-27 quả là đạt. Năng suất bông cũng đạt từ 2 tấn/ha trở lên, gấp hơn 2 lần các giống cũ. Các nhà khoa học cho rằng, nếu bông được tưới và chăm sóc tốt, có thể đạt năng suất 3-4 tấn/ha! Các giống lai này còn có khả năng chịu hạn rất tốt; một số giống chống được sâu bệnh và thuốc diệt cỏ, nên khi phun thì cỏ chết, còn cây bông vẫn phát triển.
Cây bông giúp bà con Sơn La có điều kiện xoá đói, giảm nghèo bền vững
 
Một trong những nghiên cứu độc đáo của Viện Nghiên cứu bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố là đã tạo ra được giống bông có sợi màu, khi dệt sẽ cho màu vĩnh cửu. Thị trường trong và ngoài nước đang “săn lùng” loại bông này. Ông Đinh Bá Hùng, Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện Phù Yên tỏ ra rất phấn khích: “Hơn 30 năm di chuyển khỏi lòng hồ sông Đà, bà con vẫn loay hoay chưa tìm ra loại cây trồng phù hợp. Nay có các giống bông mới, triển vọng thật sáng sủa”.
Lợi thế để phát triển
Anh Đinh Văn Thuận, bản Bông, xã Tân Phong (Phù Yên), trước đây phải thuê đất tận huyện Mộc Châu để trồng ngô, trừ chi phí, mỗi năm cũng chỉ thu được 3 triệu đồng. Được Công ty cổ phần sợi Việt An hỗ trợ giống, phân bón, được cán bộ Công ty hướng dẫn chăm sóc cây bông, gia đình anh trồng 0,5ha bông trên mảnh đất ven sông Đà, là nơi đất xấu trồng cây gì cũng chỉ cho thu nhập thấp. Bông sinh trưởng và phát triển mạnh, thu được 1,5 tấn bông, trị giá 15 triệu đồng/năm. Hộ anh Hoàng Văn Định, bản Cao Đa, xã Phiềng Ban (Bắc Yên) trồng thí điểm 1,5ha bông, cũng thu được 3,5 tấn, bán được hơn 30 triệu đồng. Vụ sau, chẳng những hai anh, mà nhiều bà con các huyện Phù Yên và Bắc Yên cũng nô nức trồng bông giống mới.
TS. Nguyễn Xuân Diêu, Giám đốc Viện Nghiên cứu bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố, khẳng định 2 giống bông VN 01-02 và VNKS-35 có khả năng chống sâu, chống rầy, chịu hạn, rất phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu ở Sơn La, đồng thời cũng phù hợp với tập quán canh tác trên đất dốc của bà con nông dân nơi đây. Điều này đã được kiểm chứng trong thời gian hạn hán gay gắt, kéo dài, không ít loại cây ngắn ngày cùng thời vụ bị chết hoặc còi cọc, thì cây bông vẫn sinh trưởng và phát triển tốt.
Để gắn bó lâu dài và tạo niềm tin đối với nông dân trồng bông, năm 2010, Công ty cổ phần sợi Việt An đã tạm ứng toàn bộ giống, 50 tấn phân bón, mở 20 lớp tập huấn kỹ thuật gieo trồng, vun gốc tỉa cành, chăm bón, trừ sâu cho các hộ tham gia trồng cây bông, thu mua toàn bộ sản phẩm của nông dân. Cùng lúc, Công ty đã xây dựng giai đoạn 1 nhà máy bóc vỏ tách hạt, ép dầu hạt bông tại khu công nghiệp Gia Phù (Phù Yên), với số vốn 23 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Phi, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh đã xây dựng chương trình phát triển cây bông vải, đến năm 2015 sẽ có 5.000 ha và năm 2020 sẽ là 10.000ha, sản lượng đạt 25.000 tấn bông. Tỉnh cũng sẽ hình thành các cơ sở chế biến từ bông hạt ra bông xơ tại các điểm có sản lượng bông lớn, tạo điều kiện thuận lợi từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi ngành nghề từ nông nghiệp sang tiểu, thủ công nghiệp, khôi phục vững chắc nghề truyền thống. Có hàng nghìn hộ nông dân đã đăng ký trồng hàng nghìn ha bông trong vụ bông 2011 này, giúp bà con miền núi tăng thêm thu nhập, có điều kiện xóa đói giảm nghèo bền vững./.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử VOVNEWS

Tin khác