Ngày 26/4, tại TP Sóc Trăng, hơn 150 đại diện các sở NN-PTNT của 8 tỉnh vùng ven biển ĐBSCL, các nhà khoa học các Viện Nuôi trồng thủy sản 2, Trường ĐH Cần Thơ, Cơ quan Thú y vùng VII và Hiệp hội các nhà nuôi tôm tham dự hội nghị chỉ đạo quy hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng do Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức.
Nhiều ý kiến tham luận tại hội nghị xoay quanh phân tích mặt lợi và bất lợi, nên hay không nên cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng đại trà, vượt ra ngoài vùng qui hoạch của một số tỉnh ĐBSCL.
Các Sở NN-PTNT ở ĐBSCL cho hay, từ năm 2008 đến nay, hầu hết các tỉnh ven biển đều có thả nuôi tôm chân trắng. Ban đầu quy mô diện tích, mật độ cũng như mô hình thả nuôi khác nhau, nhưng nhìn chung kết quả mang lại hiệu quả khá cao, nhất là trong những năm tôm sú thiệt hại lớn. Ngay vấn đề lo ngại lâu nay về dịch bệnh, nhất là hội chứng Taura cũng phần nào giải tỏa vì chưa phát hiện có bệnh này. Tôm chân trắng chỉ xảy ra một số bệnh thông thường như tôm sú: bệnh đốm trắng, MBV…Do vậy, các tỉnh kiến nghị Bộ NN-PTNT nên sớm cho phép nuôi trên diện rộng. Bởi trên thực tế diện tích nuôi tôm chân trắng vừa qua người dân đã âm thầm mở rộng. Đồng thời, các đại biểu cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT có hướng dẫn cụ thể về quy trình nuôi, kiểm soát con giống, quản lý dịch bệnh.
Tuy nhiên, Vụ Nuôi trồng thủy sản nhấn mạnh: Tôm sú vẫn là đối tượng nuôi chủ lực ở ĐBSCL, việc nuôi tôm chân trắng cần có quy hoạch riêng biệt để tránh lây lan dịch bệnh sang tôm sú. TS Lý Thị Thanh Loan, Viện Nuôi trồng thủy sản II nhận xét: “Qua các kết quả thử nghiệm gây cảm nhiễm hội chứng Taura trên tôm thẻ chân trắng cho thấy mức độ ảnh hưởng rất nhỏ, không đáng quan tâm”. Tuy nhiên, TS Loan khuyến cáo, bà con không nên nuôi thẻ ở những vùng sâu trong nội đồng mà chỉ nên nuôi khu vực ven biển theo hướng thâm canh để có thể kiểm soát được dịch bệnh và môi trường nuôi. “Riêng vấn đề mức độ cạnh tranh dẫn đến tạp giao giữa tôm chân trắng và tôm sú cho đến thời điểm hiện nay, các nghiên cứu vẫn chưa phát hiện. Nhưng về lâu dài cần có theo dõi và nghiên cứu thêm”- TS Loan nhấn mạnh.
Cùng ngày, đại diện các doanh nghiệp sản xuất và thương mại thuốc thú y thủy sản, các hộ nuôi tôm thảo luận, góp ý cho danh mục các chất có thể thay thế chất Trifluralin dùng trong nuôi thủy sản.
|
Giải tỏa nỗi lo, nhìn về thị trường một cách tích cực, ông Nguyễn Văn Nhiệm - Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), cho rằng: Trong tình hình tôm sú đang gặp dịch bệnh và thiệt hại nặng nề như hiện nay, nhìn sang tôm chân trắng đang rất có lợi thế. Nuôi tôm chân trắng chỉ cần 2 tháng đã có lời. Do đó, đối với những diện tích thả nuôi tôm sú bị thiệt hại, Hiệp hội đang cải tạo và thả nuôi khắc phục lại bằng tôm thẻ. Về thị trường xuất khẩu, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Ủy ban tôm VASEP, Tổng Giám đốc FIMEX (Sóc Trăng) cho biết: “Giá tôm đang rất cao, nên tôm thẻ chân trắng hiện đang có lợi thế. Hơn nữa, về màu sắc, kích cỡ tôm thẻ nuôi tại ĐBSCL đã đạt chuẩn theo yêu cầu các nước nhập khẩu”.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn thừa nhận: Tôm chân trắng vẫn có những ưu điểm nhất định khi phát triển tại ĐBSCL. Những lo ngại về hội chứng Taura đến nay gần như không có và cả tôm sú lẫn thẻ đều có những bệnh như nhau.
ĐBSCL đã và đang phát triển đối tượng nuôi này với nhiều mô hình khác nhau. Do vậy, ông Tuấn cho biết Tổng cục sẽ kiến nghị Bộ NN-PTNT cho phép được nuôi tôm thẻ cả trong và ngoài vùng quy hoạch theo hình thức nuôi thâm canh có điều kiện. "Trước mắt, các tỉnh ĐBSCL cần xác định việc nuôi chân trắng nhằm mục đích tận dụng thị trường chứ không phải để cạnh tranh với tôm sú. Đối với mô hình nuôi tôm thẻ quảng canh, các địa phương cần có tổng kết đánh giá để làm cơ sở chỉ đạo trong thời gian tới”- ông Tuấn nói.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/77594/Default.aspx