Bộ NN và PTNT chuyển từ khởi công mới sang chuẩn bị thực hiện 13 dự án cấp bách của ngành…
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát, cắt giảm và điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư các dự án của ngành trong năm 2011 với tổng số tiền gần 105 tỷ đồng để điều chuyển, bổ sung cho các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án hoàn thành trong năm.
Trong số này, bộ đã rà soát 46 dự án khởi công mới và quyết định đình hoãn khởi công 21 dự án, điều chuyển toàn bộ vốn kế hoạch năm của các dự án này là hơn 48,2 tỷ đồng cho các dự án khác hoàn thành và các dự án cấp bách theo từng ngành, lĩnh vực.
Bộ cũng chuyển từ khởi công mới sang chuẩn bị thực hiện 13 dự án cấp bách của ngành để thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chuẩn bị thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công… Bộ sẽ chỉ tập trung khởi công mới 12 dự án, trong đó có 4 dự án vay vốn ODA; các dự án phục vụ phòng chống thiên tai như Dự án chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh, được điều chỉnh tăng 14 tỷ đồng; đẩy nhanh tiến độ đầu tư ba dự án xây dựng hệ thống kho dự trữ muối quốc gia. Các dự án cấp bách cần được đầu tư khác nhằm kiểm soát dịch bệnh, chất lượng sản phẩm, cảnh báo môi trường, xử lý nước thải…
Đối với các dự án chuyển tiếp, nguồn vốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao quản lý trong năm 2011 chỉ đáp ứng 33% yêu cầu tiến độ; trong khi nguồn vốn trong nước còn lại để thực hiện các dự án nhóm B, C các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi là hơn 76,4 tỷ đồng.
Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động đình hoãn 31 công trình thủy lợi để tập trung vốn cho các dự án hoàn thành, nâng cấp cơ sở hạ tầng phòng chống dịch bệnh, chống cháy rừng, vệ sinh thú y thủy sản, quản lý an toàn thuốc bảo vệ thực vật, các trạm kiểm dịch thực vật. Ngoài ra, bộ dừng chuẩn bị thực hiện 2 dự án; đình hoãn, giãn tiến độ, điều chỉnh giảm vốn của 8 dự án chuyển tiếp…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện các dự án cấp bách không có nguồn vốn để triển khai gồm có: 38 dự án tu bổ đê điều (trong đó có 24 dự án tu bổ đê điều năm 2011 của 24 tỉnh, thành phố với nhu cầu vốn 500 tỷ đồng). Các công trình khắc phục chống úng, chống hạn ở Đồng bằng sông Hồng, miền Trung và Tây Nguyên; công trình thủy lợi phục vụ mục tiêu chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối; các dự án đảm bảo an toàn hồ chứa nước…/.
AGROINFO – Theo Cafef.vn