Sau khi đăng loạt bài về “Thừa nguồn lực, thiếu cú hích” phản ánh những bất cập của Nghị định 41, NTNN đã nhận được nhiều hiến kế của chuyên gia, nhà quản lý, đại diện ngân hàng.
Phối hợp hành động
TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng: “Để thực hiện NĐ 41 có hiệu quả, cần có sự phối hợp thực hiện thật chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và kể cả người nông dân để nguồn vốn đến tay người nông dân, giúp họ phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống”.
|
Nhiều nông dân vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi |
Theo TS Bảnh, sản xuất nông nghiệp của nông dân vùng ĐBSCL vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún. Để sử dụng nguồn vốn hiệu quả thì trước hết nông dân cần thay đổi phương thức sản xuất, thành lập tổ hợp tác hay công ty nông nghiệp để có diện tích đất lớn rồi đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất.
Theo TS Bảnh, khi nông dân hợp tác lại để thành lập tổ hợp tác, HTX hay công ty nông nghiệp thì cần tạo điều kiện tối đa về vốn theo NĐ 41 để họ phát triển sản xuất. Lâu nay các ngân hàng không dám đầu tư cho các hợp tác xã nông nghiệp vay vì quản lý của HTX chưa chặt chẽ, không có tài sản thế chấp nên rủi ro lớn...
“Để tháo gỡ khó khăn này, Nhà nước nên cần làm trung gian để bảo lãnh cho các HTX vay vốn hoặc các xã viên có thể góp bằng chính thửa ruộng của mình để tạo thành tài sản chung để thế chấp vay vốn ngân hàng” - TS Bảnh nói.
Còn ông Nguyễn Thanh Nhường - Chủ tịch UBND xã Hưng Thành (Bạc Liêu), góp ý thêm: Theo NĐ 41, dù vay tín chấp, nhưng thực tế phía ngân hàng vẫn có yêu cầu thế chấp “giấy đỏ”. Do vậy, phải đẩy nhanh tiến độ cấp “giấy đỏ” cho nông hộ/cá nhân. Hiện tại khâu này còn chậm, nhiều nông dân không vay được vốn là vì không có giấy đỏ.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cần xúc tiến việc xác định và cấp chứng nhận trang trại đúng chuẩn, giúp ngân hàng có căn cứ tăng mức đầu tư cho vay theo NĐ 41 để trang trại đủ sức đầu tư, vươn lên.
Đừng đắn đo!
Phía ngân hàng xác định, cho vay theo tổ, HTX là thuận lợi nhất vì thu về một đầu mối (cả những hộ chưa làm kịp giấy đỏ vẫn nhận được sự bảo đảm cho vay từ tổ, HTX), có sự giám sát, tạo thuận lợi trong thẩm định, xét cho vay, tăng định mức vay và trả nợ vay đúng hạn, không thiếu.
“Nông dân cần có kế hoạch, phương án sản xuất cụ thể cho cán bộ ngân hàng thẩm định hiệu quả để đầu tư cho vay vốn. Khi có vốn, nông dân mới có điều kiện đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng để tăng năng suất, lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp...” - Ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở NNPTNT Hậu Giang
|
Mặt khác, nguồn lực ngân hàng mỏng (thông thường, 1 cán bộ tín dụng “quán xuyến” gần 2.000 hộ vay), nên rất cần quy tụ về các đầu mối để tiện cho cả phía ngân hàng… Bằng chứng cho thấy, tại huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), việc xúc tiến nhanh trong thành lập tổ hợp tác sản xuất và cả chục HTX nông nghiệp thì việc cho vay khá thuận lợi, nhanh chóng.
Ông Hoàng Xuân Hạ - Phó Giám đốc Ngân hàng NNPTNT huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), cho biết, ngay khi có “lệnh” cho vay theo “41” là ngân hàng ký kết ngay hợp đồng liên tịch với Hội Nông dân huyện, nên triển khai cho vay rất thuận lợi. Tính đến nay đã giải ngân trên 100 tỷ đồng cho hơn 1.000 hộ vay, mức nợ xấu rất thấp. “Có thể đánh giá đây là cách làm hay của Ngân hàng Hồng Dân trong quản lý nguồn vốn và tổ chức cho vay có hiệu quả” - ông Ca Quốc Hận - Chủ tịch Hội Nông dân huyện này khẳng định.
Có thể kể đến vai trò liên kết trong chuỗi sản xuất khép kín: Cho vay - sản xuất - ứng dụng khoa học - bao tiêu sản phẩm; thể hiện sự nhịp nhàng trong liên kết bởi cơ chế chính sách liên kết bốn nhà: Ngân hàng - nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Đó là yếu tố then chốt để dẫn đến thành công cho NĐ 41.
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay
Nguồn: http://danviet.vn/40783p1c34/som-xuc-tien-thanh-lap-to-hop-tac-xa.htm