Đưa nghị định 41 vào cuộc sống - Thiếu vốn, nông dân tự bơi

22/04/2011

Giải ngân vốn theo NĐ 41, dù được nông dân đánh giá là giải quyết có hiệu quả những khó khăn về điều kiện vay vốn và tạo sức bật mới cho nông thôn, nhưng chưa phải nông dân nào cũng được tiếp cận nguồn này.

Còn “khát”
Nhìn lại hoạt động cho vay theo NĐ 41, có thể thấy rằng, trong thời gian qua, nguồn vốn tín dụng ngân hàng tập trung vào nhiều đối tượng và mức độ đầu tư khác nhau. Tuy nhiên, hạn mức cho vay vẫn còn thấp, thường chỉ từ 8-10 triệu đồng/hộ để canh tác lúa, rau, màu, chăn nuôi; trong khi vay nuôi tôm cũng chỉ ở mức gấp đôi trồng lúa (tức 15-20 triệu đồng). Rất ít hộ vay vượt mức trên. Mà thực tế sản xuất lúa, tôm như hiện nay, với mức vốn như thế, nông dân chưa thể đầu tư thỏa đáng để tạo đột biến, gia tăng rõ rệt thu nhập.
Khó tiếp cận nguồn vốn, việc sản xuất của nhiều hộ dân ở ĐBSCL gặp nhiều khó khăn.
 
Nông dân Nguyễn Thị Sanh - xã Tân Lộc, huyện Thới Bình (Cà Mau), phàn nàn khi có đến 2ha mà chỉ vay được 12 triệu đồng! Bà đành lấy số tiền này mua giống lúa mới và cá để thả trong mô hình đa canh. Trong khi theo bà: Dịch bệnh nhiều, hoành hành thường xuyên nên việc phòng ngừa và tăng hàm lượng phân bón để cải tạo đất thì rất cần thiết. Nhưng vốn không đủ, đành chịu. Và một số hộ kế cận gia đình bà, dù cũng là nông dân, nhưng chưa thể tiếp cận vốn vì nhiều lý do khác nhau.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chi cục Phát triển nông thôn Bạc Liêu, cho rằng: Nhờ NĐ 41, nông dân mới cải thiện được khâu giống và tăng đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nhưng các khâu còn lại như cải tiến các chu trình sau thu hoạch, tiêu thụ… nông dân vẫn phải tự bơi vì vốn giải ngân không nhiều.
Theo NĐ 41, nông dân không cần thế chấp tài sản khi vay đến 50 triệu đồng. Nhưng thực tế, nông dân đều phải… thế chấp tài sản và cũng rất khó vay. Như trường hợp của ông Ngũ Văn Cần - thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) có 1,3ha đất trồng lúa. Nhưng nói đến chuyện vay vốn, ông lắc đầu và cho biết, thủ tục rất nhiêu khê.
Ông Cần nói: “Với 1,3ha đất, tui cần khoảng 20 triệu đồng để sản xuất cho mỗi mùa vụ. Khi sản xuất có lời chút đỉnh thì tôi đầu tư cho vụ sau, còn thiếu bao nhiêu thì ra đại lý chấp nhận mua chịu với giá cao vì vay ngân hàng thủ tục rất phức tạp, thậm chí phải tốn nhiều chi phí thông qua “cò” mới được vay...”.
Và chậm
Ở khía cạnh chủ thể mới như HTX, nhiều nơi cũng chưa dám ngó tới vốn vay từ NĐ 41. Ông Âu Minh An - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Thuận Thành (Bạc Liêu), bộc bạch: Thành lập hơn 3 năm nay, nhưng HTX vẫn chạy vòng ngoài… vỉa hè ngân hàng, chờ vốn. “HTX đang chờ cán bộ ngân hàng đến thẩm định sản xuất để có vốn nuôi thêm artemia trong mô hình muối - artemia, tôm. Sao lâu quá!” - ông An than.
 
Nghị định 41 đang tồn tại nhiều vấn đề đáng quan tâm, và quá trình thực hiện dần lộ diện những khó khăn cần khắc phục. Ông Trần Văn Út - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu
Còn năm 2010, ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Thạnh Phước (xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) được UBND huyện mời dự họp triển khai NĐ 41 và theo đó, HTX được vay vốn ưu đãi. Nhưng ông Chiến về làm thủ tục vay thì không được chấp nhận vì nhiều lý do khác nhau.
Ông Chiến bức xúc: “HTX này thành lập hơn 10 năm và làm ăn rất hiệu quả. Hiện tại HTX có 50 xã viên trồng chanh không hạt cung ứng cho siêu thị. Khi được triển khai NĐ 41, tôi mới làm hồ sơ vay để trồng chanh theo tiêu chuẩn VietGap, xây dựng kho bãi, mua xe tải để vận chuyển hàng hóa. Nhưng cán bộ ngân hàng nói còn thiếu 5-7 thủ tục, giấy tờ gì đó. Rất nhiêu khê!”.
Tóm lại, tổ chức cho vay theo NĐ 41 tại nhiều địa phương, tuy triển khai sớm nhưng quá trình thực hiện còn tồn tại 3 vấn đề lớn: Khâu thẩm định chậm; chọn lọc cho vay dè dặt; mức cho vay còn thấp, khó cải tiến sản xuất; riêng số trang trại, HTX tiếp cận vốn chưa nhiều. Vì sao có chuyện như thế, các ngân hàng khó khăn gì trong tổ chức thực hiện?
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay
 

 


Tin khác