Cần chọn giống và xuống giống đúng thời điểm cho vụ lúa hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long

20/04/2011

Theo TS Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT) với 1.620.000 ha lúa hè thu, khu vực ĐBSCL ngoài diện tích đã xuống giống trong tháng 3 là 150.000 ha, trong tháng 4 phải xuống giống 950.000 ha tại các vùng ảnh hưởng lũ phía bắc quốc lộ 1A, vùng phù sa nước ngọt cặp sông Tiền, sông Hậu; trong tháng 5 xuống giống 300.000 ha tại các vùng ven biển Nam Bộ, Tứ giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau; 220.000 ha còn lại phải sử dụng nước mưa cho tưới tiêu sẽ xuống giống trong 10 ngày đầu tháng 6.

Xuống giống trong thời điểm này có thể đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cỏ dại, sâu bệnh gây ra và cho năng suất cao nhất vì tránh được thời điểm mưa vào tháng 8.
TS Phạm Văn Dư cho biết, để sử dụng tốt nhất nguồn giống lúa hiện có, các cơ quan chức năng địa phương cần tiếp tục quản lý chặt chẽ cơ cấu giống lúa IR50404, đảm bảo diện tích giống này không vượt quá 15% cơ cấu giống từng vùng. Đồng thời, cần mở rộng diện tích các giống lúa ngắn ngày chất lượng tốt đã được công nhận chính thức hoặc cho sản xuất thử như OM4900, OM6162, OM6677, OM6561, OM4218, OM6976,… kết hợp với duy trì tỷ lệ hợp lý giống lúa OM2514, OM1490. Trong điều kiện vụ hè thu, các khu vực miền Đông Nam Bộ và ĐBSCL không mở trộng diện tích giống Jasmine 85 và VD20. Ngoài ra, các hộ nông dân cũng chú ý đến mức độ chống chịu bệnh khô vằn và các tình trạng khó khăn như đổ ngã, hạn và xâm nhập mặn đầu vụ,…
Mặt khác, cơ cấu giống lúa cho từng vùng phải được ưu tiên lựa chọn để thu được năng suất cao nhất. Với vùng báo đảo Cà Mau ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chịu phèn mặn và điều kiện khó khăn như OM2517, OM576, OMCS2000, OPM6162, OM4900, OM2717, OM6161, IR50404, OM5472, Jasmine 85, VND95-20, ST5, OM6561, OM6976, OM5451,… Vùng sông Hậu và Tứ Giác Long Xuyên ưu tiên áp dụng các giống lúa thâm canh cao như OM2517, OM4498, OM4218, OM4900, OM6162, IR50404, OM6162, Jasmine85, OM8923,OM8108,…
Vùng phù sa nước ngọt sông Tiền, sông Hậu ưu tiên sử dụng các giống lúa cao sản chất lượng cao như OM4900, OM6162, Jasmine85, OM4218, OM5472, OM2517, OM2514, VNĐ95-20, IR50404, OM6976, Nàng Hoa 9, TNĐB100, OM6561, OM6162, … Vùng Đồng Tháp Mười ưu tiên áp dụng giống lúa cực ngắn ngày, chịu phèn mặn trung bình – khá như OM2517, VNĐ95-20, OM3536, OM6561, OM4900, IR50404, OM6976, OM576, OM2514,…
Trên cơ sở này, các địa phương cũng phải kết hợp với thực tiễn sản xuất của từng địa phương để xác định cơ cấu giống từ 3-5 giống chủ lực, 5-7 giống bổ sung và 4-5 giống triển vọng mới. Trong đó cơ cấu 1 giống không vượt quá 30% diện tích trên địa bàn, giống chất lượng thấp khó tiêu thụ phải hạn chế dưới 15% diện tích trên địa bàn để xây dựng vùng lúa hàng hóa chất lượng cao và rà soát quy hoạch sản xuất theo quy trình VIETGAP. Ngoài ra cơ quan chức năng của tỉnh cũng tiếp tục tăng cường củng cố và đầu tư phát triển toàn diện hệ thống sản xuất và cung ứng giống lúa các cấp của cả hệ thống chính quy và nông hộ.
Sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân 2010-2011, cần được cày ải, phơi đất. Đây là thời điểm thích hợp nhất trong năm để vệ sinh đồng ruộng và chia cắt vòng đời của các loại dịch hại đồng thời cũng là giải pháp quan trọng góp phần tăng năng suất lúa hè thu. Các nông hộ tiếp tục kiên trì khuyến cáo xuống giống lúa tập trung, né rầy trong từng cánh đồng, từng khu vực. Bên cạnh đó, các nông hộ cũng phải kết hợp chặt chẽ với sử dụng giống lúa có cùng thời gian sinh trưởng, chống chịu mặn, phèn để thuận lợi cho việc điều tiết nước tưới trong khu vực, từng giai đoạn, thường xuyên thăm đồng để phát hiện sâu bệnh (rầy nâu, đạo ôn, sâu cuốn lá,…), ốc bươu vàng, chuột phá hại lúa và có biện pháp phòng trừ biểu hiện.
Nhiều địa phương ở ĐBSCL cũng tiến hành xây thêm trạm bơm điện, nạo vét kênh mương thủy lợi tạo nguồn nước tưới và nhiều công trình đập ngăn mặn phục vụ sản xuất lúa hè thu./.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30065&cn_id=455745


Tin khác