Con gà thay cây lúa
Về xã Hồng Phong, huyện An Dương, TP Hải Phòng những ngày này, điều dễ dàng nhận thấy là rất nhiều trang trại gà đang được chăm nuôi, tiếng gà gáy vang rộn rã như báo hiệu sức sống mới của một vùng quê nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Cách đây 3 năm, khi 8 sào ruộng nhà anh Đoàn Văn Tư, nông dân thôn Hoàng Lâu, xã Hồng Phong, bị thu hồi nhường đất cho khu công nghiệp Tràng Duệ, vợ chồng anh xoay sang sang chăn nuôi gà thịt, tuy nhiên mô còn manh mún, kỹ thuật chăn nuôi do anh tự mày mò tìm hiểu nên chưa bài bản. Cuối năm 2008, dịch cúm gia cầm tràn về, gà nhà anh lăn ra chết hàng loạt, khiến anh bị thiệt hại nặng nề. “Cũng có những công ty bán thức ăn về giới thiệu sản phẩm, hướng dẫn cách chăn nuôi, nhưng mang tính chung chung, không có tính hệ thống”, anh Tư kể.
Cuối năm 2010, anh cùng với 140 nông dân trong xã tham gia theo học lớp thí điểm hỗ trợ dạy nghề tại Trường Trung cấp nghề An Dương theo “Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn” (Đề án 1956). Sau khi được tập huấn, anh đã tiếp thu và áp dụng kỹ thuật nuôi gà nên hiệu quả được cải thiện rõ nét. Từ khâu cho gà ăn, chọn giống, soi trứng, tiêm vaccine phòng dịch… đều được cán bộ thú y của Trường Trung cấp nghề An Dương tư vấn, hướng dẫn cặn kẽ.
|
Anh Tư chuẩn bị cho gà ăn
|
“Nếu trước đây, gà có hiện tượng lạ, bà con đã cuống lên đi tìm thuốc trị. Nhưng bây giờ tôi có thể áp dụng kỹ thuật chăn nuôi hiệu quả trước những tình huống này”, anh Tư cho biết. Theo đó, anh đã tự tin phát triển trại gà lên 2.500 – 3.000 con gà sinh sản, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Đợt dịch cúm gia cầm vừa rồi, do được phòng ngừa tốt nên gà nhà anh vẫn khỏe, sinh sản tốt.
Bà Vũ Thị Thắm, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết, Hồng Phong có địa hình là đất cát pha nên rất khó khăn trong trồng trọt, rủi ro cao, trong khi một phần đất phải nhường cho nhu cầu phát triển công nghiệp. Do đó, UBND xã đã quyết định chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển sang đào tạo nghề chăn nuôi gà, lợn cho bà con, sát thực với điều kiện địa phương.
|
Nuôi gà an toàn sinh học đang được áp dụng tại Hồng Phong
|
Toàn xã hiện có 23 trang trại gà lớn nhỏ theo mô hình của anh Tư, chưa kể nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ. Tất cả “chủ trang trại” đều tham gia khóa tập huấn theo Đề án 1956, cho nên quy trình nuôi gà an toàn sinh học đang được bà con áp dụng, bước đầu đã mang lại hiệu quả. “Điều quan trọng là cán bộ địa phương phải tìm hiểu bà con nông dân và tư vấn đúng nghề để họ yên tâm theo đuổi”, bà Thắm chia sẻ.
Hiệu quả từ gắn kết “bốn nhà”
Điều đáng nói là mô hình “bốn nhà” (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông) được gắn kết chặt chẽ tại Hồng Phong, trong đó không thể không nhắc tới doanh nghiệp tư nhân Lượng Huệ - hiện là “bà đỡ” cho sản phẩm gà của bà con chăn nuôi tại đây.
Xuất ngũ trở về địa phương từ cuối những năm 1980 của thế kỷ trước, người thanh niên Nguyễn Văn Lượng không cam chịu cảnh nghèo khổ vốn đeo đẳng người dân Hồng Phong bấy nay. Anh Lượng đã làm đủ nghề, từ hàn, mộc… và cuối cùng “bén duyên” với gà. Anh bắt đầu xây dựng trại từ năm 1990 với quy mô khoảng hơn 1.000 con. Nhưng do thiếu kỹ thuật chăm sóc nên thu nhập rất bấp bênh, gà hay bị chết.
|
Công nhân đang cho gà ăn trong trang trại của anh Lượng
|
Quyết chí làm giàu, anh tự bỏ tiền đi học tập kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi gia cầm ở Thái Lan. Anh được địa phương tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi (3 năm đầu không phải trả lãi), cán bộ Trung tâm Khuyến nông huyện An Dương hỗ trỡ kỹ thuật. Anh cũng tích cực tham gia các cuộc hội thảo trong và ngoài tỉnh về kỹ thuật chăn nuôi.
Đến nay, người nông dân Nguyễn Văn Lượng đã có trong tay hơn 40 trang trại nuôi gà trên địa bàn thành phố Hải Phòng, với mạng lưới đầu ra là các doanh nghiệp rải khắp toàn quốc, từ Lạng Sơn, Bắc Giang, Thanh Hóa đến Đắc Lắk…; hàng năm cho thu nhập “khủng” với hơn 40 tỉ đồng. Doanh nghiệp của anh tạo công ăn việc làm cho 70 lao động, trong đó có 15 kỹ sư tốt nghiệp đại học chuyên ngành chăn nuôi.
Rất nhiều bà con nông dân trong và ngoài địa phương tìm đến anh học tập kinh nghiệm phát triển sản xuất, anh và các cộng sự rất nhiệt tình hỗ trợ kỹ thuật. “Tôi nhận thấy mình cần giúp đỡ bà con, góp phần chuyển đổi mô hình từ canh tác đơn thuần sang công nghiệp, xây dựng hình ảnh nông thôn mới”, anh Lượng tâm sự.
|
Anh Nguyễn Văn Lượng, người tiên phong xây dựng hình ảnh nông thôn mới tại Hồng Phong
|
Bà Trần Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương chia sẻ: “Từ khi triển khai Đề án 1956 tại địa phương, điều quan trọng khi dạy nghề cho nông dân là phải sát với điều kiện thực tiễn, dắt tay chỉ việc cho bà con, “học đi đôi với hành” và phải có sự gắn kết từ chính quyền, doanh nghiệp tới người dân”.
Đào tạo nghề cho cho lao động nông thôn không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước; các cấp, các ngành mà còn là sự quan tâm của toàn xã hội, nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, góp phần xây dựng hình ảnh nông thôn mới. Thiết nghĩ, những thành quả đạt được tại xã Hồng Phong, An Dương, Hải Phòng rất cần được các địa phương khác trên toàn quốc tham khảo, học tập./.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử VOVNEWS