Ngay sau bài phản ánh về tình trạng thiếu thịt lợn nghiêm trọng tại các địa phương, NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT về vấn đề này.
Thưa ông, thực trạng là hiện nay dù giá thịt rất đắt nhưng người chăn nuôi vẫn không mặn mà tái đàn?
Cách đây ít phút tôi có nói chuyện với Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định thì được biết, hiện nay số đầu lợn của địa phương giảm từ 5-7% so với năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu bởi dịch bệnh tai xanh và lở mồm long móng. Còn về giá cả ư, đúng là chưa lúc nào, người chăn nuôi bán được cao như vậy: 60.000 đồng/kg lợn hơi, tăng hơn 70% so với năm ngoái là 37.000 đồng/kg. Trừ chi phí tiền thức ăn đã tăng hơn 20%, người chăn nuôi vẫn có lãi. Thế nhưng, họ vẫn “bỏ nghề” bởi đã quá chán nản, quá oải khi luôn đương đầu với dịch bệnh, với thuốc men, với vệ sinh môi trường. Chỉ cần 1 con heo có dịch là cả đàn có nguy cơ mắc, mất hàng trăm triệu như chơi.
Dịch xảy ra liên miên, không thấy ông nói đến vai trò quản lý của cơ quan chức năng và lời khuyên cho người chăn nuôi lúc này là gì?
Rõ ràng các cơ quan quản lý có phần trách nhiệm. Còn trong tình hình chăn nuôi hiện nay người dân cần hiểu biết về quy trình sử dụng thuốc, tiêm phòng, chủ động điều trị thì chăn nuôi mới hiệu quả. Phải nâng cao nhận thức cho người nông dân thông qua nhiều lớp học hơn nữa về kinh nghiệm bảo vệ an toàn trong chăn nuôi.
Còn cái khó nữa là nhiều ngân hàng hiện đã từ chối cho các hộ chăn nuôi vay tiền, hoặc vay mức hạn chế. Phải chăng những chỉ đạo của Chính phủ, những “bắt tay” phối hợp của Bộ NN-PTNT và Ngân hàng trước đây không còn hiệu quả?
Khát tiền là tình trạng chung nên chúng ta cũng khó trách ngân hàng bởi họ cũng chỉ là doanh nghiệp kinh doanh, phải đặt chỉ tiêu an toàn lên hàng đầu, hiệu quả đứng thứ hai. Theo tôi, để giảm bớt thiệt hại này, các ngân hàng hãy kết hợp với nhiều đơn vị đầu tư xây dựng ra Quỹ bảo hiểm chăn nuôi, Quỹ bảo hiểm vật nuôi cùng với hỗ trợ của Chính phủ giống như nhiều nước có ngành chăn nuôi phát triển là Đài Loan, Úc, Canađa… Những quỹ này sẽ là “bà đỡ” cho người chăn nuôi khi gặp rủi ro.
Dường như hai chữ cung-cầu về thịt ngày càng có khoảng cách rộng hơn, thưa ông?
Chỉ nói về thịt lợn thôi thì đúng. Nhưng nhìn rộng hơn về nhiều loại như gia cầm thì khoảng cách đó có thể rút ngắn hơn. 40 ngày là người nông dân có thể xuất chuồng con gà nặng 3-4 kg rồi. Rồi cá, tôm cũng sẽ làm giảm áp lực nhu cầu về thịt lợn đi. Đây cũng là xu hướng của rất nhiều nước trên thế giới hiện nay, chỉ chủ yếu đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm vì chi phí thấp, đơn giản, kiểm soát dịch bệnh gia cầm cũng dễ hơn với lợn.
Dự báo thời gian tới nguồn cung thịt lợn sẽ như thế nào và Cục Chăn nuôi sẽ có động thái nào giải quyết vấn đề này, thưa ông?
Khả năng giá thịt sẽ hạ dần nhiệt trong thời gian cuối năm bởi người chăn nuôi đã bắt đầu khôi phục lại rồi. Tuy nhiên, nếu chúng ta không sớm có giải pháp khôi phục nhanh thì sẽ thiếu nghiêm trọng trong thời vài tháng trước mắt. Thịt lợn đang quá đắt, theo tôi người dân cũng nên thay đổi khẩu vị ăn uống, không nên quá lệ thuộc thịt lợn. Ngay cả thịt gà cũng vậy, dân ta khoái thịt gà ta nhưng chỉ là khoái khẩu, vì lượng đạm gà ta chưa chắc bằng gà công nghiệp.
Còn trong tháng 4 này, Cục sẽ yêu cầu các địa phương rà soát lại toàn bộ số lợn có trên địa bàn mình, đồng thời đưa ra giải pháp tăng đàn cho các hộ dân trong thời gian ngắn nhất. Cục sẽ tổng hợp toàn bộ tình hình để kiến nghị các giải pháp hỗ trợ cho bà con chăn nuôi.
Xin cảm ơn ông!
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/76801/Default.aspx