Công tác phòng chống dịch lở mồm long móng:Tập trung các nhóm giải pháp để khống chế kịp thời

09/04/2011

Trước tình hình dịch lở mồm long móng (LMLM) đang lan rộng tại 39 tỉnh, thành phố trên cả nước và có chiều hướng diễn biến phức tạp, sáng nay 6/4, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch bệnh này.

Theo báo cáo của Cục Thú y, đợt dịch LMLM này kéo dài từ tháng 9/2010 đến nay đã lan ra trên 1.680 xã, phường, thị trấn của 241 huyện, quận, thị xã thuộc 39 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây nguyên.
 
Tổng số gia súc mắc bệnh khoảng 133.825 con, trong đó 67.820 con trâu, 23.550 con bò, 40.957 con lợn và gần 1.489 con dê, trong đó, số gia súc phải tiêu hủy là 5.336 con trâu, 849 con bò, 30.061 con lợn và 161 con dê.
 
Theo nhận định, virus LMLM hiện đang lưu hành ở Việt Nam vẫn là dạng type O, trong đó ở miền Bắc chủ yếu là type O Myanmar 98 còn ở miền Nam là type O Pan Asia. Tuy nhiên, chủng virut này có nhiều biến đổi so với trước và có xu hướng gây ra tỷ lệ chết cao, nhất là trên lợn. Trong khi đó, nước ta vẫn chưa sản xuất được vắc xin LMLM mà phải nhập khẩu hoàn toàn. Năm nay, dịch LMLM ở nước ta và một số nước trong khu vực lại phát triển mạnh nên số lượng vắc xin cần quá lớn trong khi các nhà sản xuất vẫn làm theo kế hoạch dẫn đến khó khăn trong nguồn cung mặt hàng này.
 
 
Ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục thú Y cho biết: Nguyên chính khiến cho dịch bệnh bùng phát là do chính quyền và người dân tại một số địa phương chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch. Đặc biệt là công tác giám sát phát hiện, báo cáo dịch và quản lý vận chuyển gia súc bị bệnh. Thậm chí, một số địa phương đã được cấp vắc xin LMLM nhưng lại không triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc dẫn đến dịch bệnh xảy ra và lan rộng. “Nguy hiểm nhất là một số cán bộ thú y cơ sở giấu dịch để chữa bệnh kiếm tiền, khi dịch lan rộng thì mới báo cáo. Công tác giám sát, phát hiện dịch bị buông lỏng, trung bình sau 25 ngày các ổ dịch mới được báo cáo, thậm chí có nơi sau hơn 3 tháng dịch xảy ra địa phương mới báo cáo” – ông Năm cho biết.
 
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thẳng thắn phê bình: Công tác phòng chống dịch LMLM đã làm nhiều năm, nhưng năm nay dịch lại lây lan mạnh tới 16% số xã trên cả nước.
 
Nhiều địa phương biết dịch và có phòng chống nhưng hiệu quả thấp, thậm chí có nơi còn tạo điều kiện cho buôn bán gia súc bị bệnh. Nguyên nhân chính là do chủ quan và chưa nhận thức đầy đủ về dịch bệnh. Nếu không có biện pháp chấn chỉnh kịp thời thì tình hình còn xấu hơn, đe dọa cả ngành chăn nuôi.
 
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng lưu ý, chống dịch không thể làm nhỏ lẻ, đơn phương 1 tỉnh hay 1 huyện mà phải làm cùng nhau với tinh thần phòng chống dịch cao nhất. Nguyên tắc chống dịch là “Phòng là chính, nhân dân là chính, cơ sở là chính”. Phải công khai tuyên truyền cho nhân dân biết, hiểu để phòng chống dịch hiệu quả.
 
Tại hội nghị, Bộ NN&PTNT đã đề ra mục tiêu trong tháng 4/2011 khống chế được dịch LMLM. Trong đó, tập trung 3 giải pháp lớn là tiêm phòng vắc xin, giám sát phát hiện sớm ổ dịch và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, nhất là gia súc bị bệnh./.   
 
AGROINFO - Theo Báo Kinh tế Việt Nam

Nguồn: http://ven.vn/tabid/77/newsid/20594/seo/Cong-tac-phong-chong-dich-lo-mom-long-mong-Tap-trung-cac-nhom-giai-phap-de-khong-che-kip-thoi/language/vi-VN/Default.aspx


Tin khác