Nhiều người hốt bạc
Thực hiện lệnh cấm nghiêm ngặt trên của ông Lê Phước Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng như sự vào cuộc quyết liệt từ phía chính quyền các địa phương từ hôm 9/3 đến nay, tại các chợ trên địa bàn Quảng Nam, thịt gia súc đã thực sự vắng bóng. Hơn nữa, thông tin về dịch lở mồm long móng hoành hành đã khiến người tiêu dùng thực sự lo ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì thế, thời gian qua, rất nhiều gia đình đã “nói không” với thịt gia súc. Và, như một quy luật tất yếu, giá gà, vịt có cơ hội… lên ngôi.
|
Phun tiêu độc khử trùng cho trâu bò bị bệnh LMLM ở Quảng Nam
|
Chỉ tay về phía dãy chuồng gà trống hoác, ông Hoàng Văn Bài (thôn 13, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn) phấn khởi: “Mình vừa xuất bán đồng loạt 160 con gà chuyên thịt, thu về gần 20 triệu đồng. Sướng thiệt, 1 tháng qua, toàn tỉnh cấm thịt gia súc, giá gà tăng lên vùn vụt”. Theo ông Bài, lúc trước, cao tay lắm giá một con gà trên 1 ký chỉ chừng 80 nghìn đồng, nhưng gần đây do thị trường tiêu thụ quá mạnh nên đã tăng lên hơn 120 nghìn đồng. Nhờ vậy mà lứa gà này vợ chồng ông Bài lãi ròng không dưới 14 triệu đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là một gia trại nhỏ, còn với những trang trại gà có quy mô lớn, số lượng nhiều thì càng “hốt bạc” đậm hơn, nhất là tại một số vùng thả nuôi theo hướng hàng hóa tập trung của huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn.
Không chỉ gà, những ngày qua, rất nhiều hộ dân nuôi vịt đàn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng… đếm tiền mỏi tay nhờ giá tăng lên đột biến. Đưa xong bầy vịt 500 con lên xe tải cho khách hàng, bỏ cọc tiền 70 triệu đồng vào túi quần, ông Phạm Mạnh Tiến (thôn Liễu Trì, xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình) cười sảng khoái: “Hồi chưa xuất hiện dịch lở mồm long móng, một cặp vịt trơn lông chỉ bán được với giá 130 nghìn đồng, còn nay đã tăng hơn gấp đôi. Nói chú mừng, trừ mọi chi phí, trong vòng chưa đầy 3 tháng tui lời gần 50 triệu đồng đấy”.
Gần 3 năm nay, chị Lan mở quầy thịt bò bán tại chợ Hà Lam. Trừ tiền xăng nhớt, nộp thuế, bình quân mỗi tháng người phụ nữ ngoài 40 tuổi này có nguồn thu nhập hơn 1,5 triệu đồng. Bây giờ, chợ cấm thịt, chị đành chở giỏ lên vùng Gò Nổi mua dưa hấu về bán, những mong kiếm thêm lon gạo đổ nồi…
|
Lắm kẻ điêu đứng
Khổ thay, người nuôi gia cầm càng vui bao nhiêu thì những chủ gia súc lại buồn bấy nhiêu. Nhìn cặp heo thịt béo nục đang táp cám ầm ầm, bà Nguyễn Thị Tuyết (thôn Hà Thuận, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) rầu lòng: “Chán thiệt, 2 đứa con đầu đang học đại học ở Đà Nẵng cứ gọi điện về xin tiền nộp học phí và trả tiền phòng trọ nhưng vợ chồng tôi chẳng biết lấy chi đưa. Lúa trong ghè thì chỉ đủ ăn đến kỳ giáp hạt, mấy sào đậu phụng cũng đâu đã già. Cặp heo thịt ni chẳng hề dính dịch nhưng lệnh cấm ban bố suốt một tháng nay, cứ mỗi lần kêu lái bán là họ lắc đầu không mua”.
Dân nghèo khốn đốn đã đành, các đại gia nuôi heo siêu nạc với tổng đàn lên đến hàng trăm con, thậm chí cả nghìn con thì lại càng lao đao, lận đận hơn. Ông Nguyễn Mạnh Bá – một chủ trang trại nuôi heo với số lượng lớn ở xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành than phiền: “Gần đây, giá thức ăn cứ tăng chóng mặt, càng nuôi càng thua lỗ nặng nhưng lệnh cấm chưa dỡ bỏ thì biết mần răng mà xuất chuồng”. Được biết, hiện nay, trên thị trường, giá mỗi ký heo hơi đã vượt lên mức 47 nghìn đồng, tăng hơn 18 nghìn đồng/kg so với thời điểm chưa bùng phát bệnh lở mồm long móng. Thế nhưng, người chăn nuôi Quảng Nam phải ngậm ngùi ngồi… ngóng hàng chục nghìn con heo thịt của mình đang bị bí bít đầu ra.
Đâu riêng gì heo, đàn bò cũng cùng chung số phận. Bây giờ, ở các làng quê xứ Quảng, nhiều người chuẩn bị cưới vợ cho con, sửa lại cái nhà, chạy chữa bệnh tình cho cha yếu mẹ già nhưng không bán được bò thì họ chẳng biết lấy chi mà lo liệu.
Vui – buồn thời lệnh cấm là vậy đó!
Không chỉ cả nghìn người chăn nuôi điêu đứng, lệnh cấm thực thi cũng đã khiến hàng loạt cơ sở giết mổ, kinh doanh, buôn bán thịt bò lớn nhỏ trên địa bàn Quảng Nam bị “tê liệt” suốt nhiều ngày qua. Lúc trước, bình quân mỗi đêm cơ sở giết mổ của ông Nguyễn Văn Đê (thôn Bà Rén, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn) làm thịt ít nhất 10 con bò trưởng thành để cung ứng cho thị trường Đà Nẵng và các vùng lân cận. Ngoài việc ông Đê bỏ túi hơn 1 triệu đồng tiền lãi thì những lao động giúp việc cho ông cũng kiếm được gần 200 nghìn đồng mỗi người. Nay, lò mổ đóng cửa, vợ chồng ông Đê và cả 7 nhân công đành… ngồi chơi.
Cấm giết mổ, tiêu thụ, những quán bê thui nổi tiếng trong Nam, ngoài Bắc giờ cũng quạnh hiu đến sợ. Cái cảnh từng đoàn xe con, xe tải, xe khách nối đuôi nhau tấp vào những quán ven đường đã không còn nữa, chỉ thấy mấy người chủ và đám nhân viên ngồi nhìn cái dao, cái thớt treo trên kệ với vẻ mặt buồn thiu.
Ngồi từ sáng đến trưa dưới cái nắng như lửa đốt nhưng chị Bùi Thị Lan (xã Bình Quý, huyện Thăng Bình) cũng chỉ bán được vỏn vẹn 3 trái dưa hấu, kiếm chừng 5 nghìn đồng tiền lời. Mồ hôi đẫm áo, chị Lan lắc đầu: “Cả 3 đứa con đều đang tuổi ăn học, cái nghề phụ hồ của chồng đâu đủ lo cho chúng. Nếu tôi ở nhà thì biết lấy tiền đâu mua mắm muối. Khổ thiệt, dịch lở mồm long móng bùng phát, quầy thịt bò dẹp, kinh tế gia đình càng bức bí hơn”.
AGROINFO - Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/1/1/76572/Default.aspx