Diện tích tôm chết tăng đột biến do thời tiết bất thường tại Sóc Trăng

08/04/2011

Theo thống kê của các địa phương có diện tích nuôi tôm lớn như Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên, Trần Đề (Sóc Trăng), trong hơn một tuần trở lại đây, do thời tiết bất thường đã làm diện tich tôm sú bị thiệt hại tăng nhanh.

Hiện đã có trên 1.500 ha tôm nuôi bị thiệt hại hoàn toàn (chiếm hơn 10% diện tích đã thả nuôi), tăng so với hơn 1 tuần trước tới gần 1.000 ha. Thiệt hại nặng nhất là tại địa bàn huyện Vĩnh Châu với hơn 600 ha tôm mới thả nuôi, kế đến là huyện Mỹ Xuyên với gần 600 ha, các huyện Trần Đề, Long Phú... mỗi địa phương bị thiệt hại từ vài chục đến trên 100 ha.
 
Theo cán bộ Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Sóc Trăng thì năm nay, tôm chết không chỉ với những hộ nuôi quảng canh cải tiến (thả thưa) mà cả với những hộ, trang trại nuôi theo mô hình thâm canh và bán thâm canh. Tôm bị thiệt hại trong những ngày gần đây phần lớn là tôm thả dưới một tháng, có ao tôm mới thả chừng trên chục ngày đã bị thiệt hại. Triệu chứng của tôm là đâm đầu vào bờ rồi chết, một số nông dân cho rằng tôm bị bệnh teo gan, một loại bệnh mới xuất hiện từ vụ tôm trước và vụ này lại tái diễn.
 
Nguyên nhân tôm bị thiệt hại đang lan nhanh, theo cán bộ chuyên môn ngành thuỷ sản thì chủ yếu do tác động môi trường, xuất hiện mưa trái mùa nên tôm mới thả bị "xốc" nước; ảnh hưởng của thời tiết, nhiệt độ chênh lệch cao, xuống thấp vào ban đêm, trong khi ban ngày nắng nóng cũng là một nguyên nhân dễ dẫn đến tôm bị ảnh hưởng, bên cạnh đó cũng không loại trừ tình trạng nhiều lô hàng tôm giống nhập về không đảm bảo chất lượng.
 
Khắc phục tình trạng tôm chết tăng nhanh trong những ngày qua, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã chỉ đạo các địa phương và khuyến cáo bà con cần chú ý đến thời điểm thả tôm cho thích hợp, lựa chọn con giống tốt, ương dèo (tức thuần dưỡng giống) cho tôm thich nghi với môi trường nước trước khi thả ra diện rộng. Với những diện tích tôm đã bị thiệt hại, cần cải tạo đúng theo quy trình kỹ thuật, không bơm nước, bùn ra đường nước nuôi tôm chung của cộng đồng, với diện tích khó khắc phục để thả lại tôm sú thì nên chuyển sang trồng lúa hoặc nuôi cá, thuỷ sản khác để đạt được hiệu quả cao nhất./.
 
AGROINFO - Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
 
 
 
 
 

Tin khác