Kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thuỷ sản: Chuẩn bị triển khai trên diện rộng

08/04/2011

Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thuỷ sản (Cục QLCLNLTS) - Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn cho biết đã kết thúc việc kiểm soát thí điểm chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN) và an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thuỷ sản tại một số địa phương (Thanh Hoá, Tiền Giang). Trong tổng số 1.273 cơ sở kiểm tra, vẫn còn khoảng 30% không đạt yêu cầu.

Ông Phùng Hữu Hào, Cục phó Cục QLCLNLTS cho biết, việc kiểm tra thí điểm lần này sẽ làm cơ sở quan trọng cho việc hoàn thiện biểu mẫu thống kê, kiểm tra đánh giá phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN, ATTP NLTS trên phạm vi toàn quốc cũng như làm cơ sở để Bộ trưởng Bộ NNPTNT ban hành thông tư quy định về kiểm tra, đánh giá trên diện rộng từ năm 2011.
Theo ông Hào, công tác kiểm tra thí điểm lần này tập trung kiểm soát 10 nhóm đối tượng bao gồm: phân bón; thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); thuốc thú y; thức ăn chăn nuôi; thức ăn thuỷ sản; giống cây trồng lâm nghiệp; cơ sở sơ chế, chế biến rau quả; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; nước sinh hoạt nông thôn; cơ sở sản xuất mắm và các sản phẩm dạng mắm.
 
Phạm vi kiểm tra gồm 2 tỉnh Tiền Giang (huyện Cai Lậy, huyện Chợ Gạo) và Thanh Hoá (huyện Hoằng Hoá, TP Thanh Hoá và huyện Như Thanh).
 
Trước đó, Bộ NNPTNT đã làm việc với UBND 2 tỉnh này để triển khai thống kê, kiểm tra đánh giá và phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh của 10 nhóm đối tượng tại các địa điểm nêu trên. Ngoài ra các Tổng cục và Cục QLCLNLTS đã xây dựng biểu mẫu thống kê, kiểm tra đánh giá, phân loại 10 nhóm đối tượng sản phẩm hàng hoá trên.
 
Kết quả kiểm tra tại Thanh Hoá cho thấy: Trong tổng số 252 cơ sở thì có 76 cơ sở đạt loại A (mức độ tốt tương ứng với màu xanh), chiếm 30%; 103 cơ sở đạt loại B (mức độ đạt yêu cầu tương ứng màu vàng), chiếm 41% và 73 cơ sở đạt loại C (không đạt yêu cầu tương đương màu đỏ), chiếm 29%. Trong khi đó tại Tiền Giang kiểm tra 1.021 cơ sở thì 234 cơ sở đạt loại A (23% màu xanh), 438 cơ sở đạt loại B (44% màu vàng) và 335 cơ sở đạt loại C (33% màu đỏ).
 
Theo đánh giá, đối với nhóm vật tư nông nghiệp, khoảng cách giữa cơ sở với khu dân cư chưa đảm bảo; khu vực kinh doanh và kho chưa hợp lý; vệ sinh lao động chưa được đảm bảo; kinh doanh lẫn với hàng hoá thực phẩm và không hề áp dụng bất cứ hệ thống quản lý chất lượng…
 
Đối với nhóm sản phẩm NLTS, kết cấu nhà xưởng chưa hợp lý, khó làm vệ sinh khử trùng, không có tường cách biệt với xung quanh; chưa tuân thủ quy định về ghi nhãn hàng hoá; không có các trang thiết bị và không phân công người duy trì kiểm soát chất lượng…
 
Mặc dù việc triển khai thí điểm đã tác động mạnh đến vấn đề nhận thức, vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý các cấp, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhưng Cục QLCLNLTS thừa nhận hiện nay tồn tại nhiều bất cập về mặt cơ sở pháp lý khi một số loại hình cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, NLTS, đặc biệt là nông sản còn thiếu quy định, quy chuẩn kỹ thuật để làm căn cứ đánh giá phân loại.
 
“Theo Quy định tại Nghị định 163/2004/NĐ – CP của Chính phủ, một số cơ sở SXKD sản phẩm mắm, dạng mắm trước đây do Sở Y tế cấp giấy chứng nhận điều kiện đảm bảo VSATTP không có thời hạn nên việc kiểm tra lần này bị phản ứng là chồng chéo”, ông Hào cho biết.
 
Mặt khác một số loại mặt hàng có tính chất thời vụ như thuốc BVTV, phân bón…kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát, kinh doanh theo mùa nhiều, chưa có giấy phép kinh doanh nên rất khó kiểm soát các đối tượng này.
 
Riêng đối với lĩnh vực thuốc thú y và giết mổ, việc tham gia quản lý của địa phương còn chưa rõ ràng, không có chứng chỉ, không đủ điều kiện, các lò mổ hoạt động rất sớm từ 3 – 4h sáng nên không kiểm soát nổi.  
 
Trong bối cảnh hiện nay, công tác quản lý chất lượng VTNN và ATTP nông lâm thuỷ sản đang là mối quan tâm chung của toàn xã hội, là vấn đề thời sự được đặc biệt quan tâm. Việc sử dụng vật tư hàng hoá nông nghiệp kém chất lượng và thực phẩm không an toàn không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, khả năng lao động, chất lượng cuộc sống mà còn làm giảm khả năng tiếp cận thị trường của các mặt hàng NLTS, hạn chế khả năng mở rộng và phát triển sản xuất.
 
Vì vậy việc rà soát thí điểm lần này nhằm xác định lộ trình và các giải pháp để tăng cường năng lực, hiệu quả trong quản lý chất lượng, tạo được chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động trong thời gian tới.
 
Ông Hào cho biết, hiện nay Cục QLCLNLTS cũng đang phối hợp với các Vụ, Cục thuộc Bộ NNPTNT để tiếp tục xây dựng 2 dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn Thực phẩm và Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP, hoàn thiện gửi Bộ Y tế dự thảo Chiến lược về ATTP đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020./.
 
AGROINFO - Theo Báo Kinh tế Việt Nam

Tin khác