Thái Bình hoàn thiện công tác cải tạo ao đầm nuôi thả trên 3.000 ha tôm sú

08/04/2011

Đến thời điểm này, tỉnh Thái Bình đã cơ bản hoàn thành công tác cải tạo ao đầm, chuẩn bị bước vào vụ nuôi thả trên 3.000 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Thái Đô, Thụy Xuân, Thụy Trường (huyện Thái Thụy) và các xã Đông Minh, Nam Cường, Nam Thịnh (huyện Tiền Hải).

Theo ông Tạ Quang Triệu, Chi cục trưởng Chi cục nuôi trồng thủy sản Thái Bình: Để vụ nuôi tôm thắng lợi thì vấn đề cải tạo ao đầm cần được làm tốt. Năm nay thời vụ thả muộn hơn để tránh thời tiết diễn biến bất thường. Để hạn chế rủi ro, ngành chuyên môn cũng khuyến cáo nông dân chỉ tập trung thả giống khi thời tiết ấm dần lên, thuận lợi nhất là sau Thanh minh (tức là từ 20/4 đến đầu tháng 5). Bên cạnh đó, cần chú trọng hơn tới việc đa dạng hóa đối tượng con nuôi như xen canh cá vược, mở rộng diện tích tôm thẻ chân trắng theo hướng bán thâm canh. Về quy trình kỹ thuật nuôi thả, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Thái Bình cũng đã tổ chức tập huấn khá bài bản cho nông dân.
 
Tuy nhiên, vụ tôm sú năm nay dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn thủy sản tăng cao, đặc biệt là giá tôm giống tăng khá cao. Nếu như năm ngoái, 1 vạn tôm post có giá trên 300.000đ, thì vụ này đã tăng lên 400.000 - 420.000đ/vạn con. Nguyên nhân do thời tiết rét đậm kéo dài, giống cho nuôi trồng thủy sản nói chung, trong đó có giống tôm sú đều rơi vào tình trạng khan hiếm. Để hoàn thành kế hoạch nuôi thả, Thái Bình cần có lượng tôm giống từ 15 đến 17 triệu con tôm post. Đây quả thực là một khó khăn đầy thách thức đối với nông dân 2 huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải trước khi vào vụ nuôi thả tôm năm nay.
 
Về vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) ven biển ở Thái Thụy những ngày này, đi đến đâu cũng thấy bà con nông dân đang tất bật hoàn thiện nốt công tác cải tạo ao đầm, chuẩn bị bước vào vụ nuôi thả mới. Năm nay, huyện Thái Thụy đưa vào nuôi thả hơn 1.500 ha diện tích NTTS nước lợ và vẫn chọn con tôm sú là đối tượng nuôi chính với diện tích khoảng 1.300 ha. Ngay từ thời điểm giáp Tết Nguyên đán, tất cả những đầm nuôi sau khi thu hoạch xong đều được bà con tháo cạn nước, vệ sinh thu gom rác, rong rêu chuyển đi nơi khác, cày bừa phơi khô đáy, sau đó rắc vôi bột cải tạo đáy, bờ ao để diệt khuẩn, diệt tạp và ổn định độ PH. Các xã, HTX có vùng NTTS tập trung đã huy động kinh phí, nhân lực để tôn cao đê bao vùng, bờ đầm, tu sửa cống đầu mối, nạo vét kênh mương chính, các mương dẫn nước vào ao phục vụ cho NTTS. Những ao lưu giữ cá qua đông đều đã đánh bắt, thu hết sản phẩm bảo đảm thời gian cải tạo ao, đầm nuôi.
 
Đến thời điểm này, bà con đã cơ bản hoàn thành công việc cải tạo ao đầm và nuôi thả tôm. Đặc biệt năm nay, ngoài con tôm sú, trong vùng đầm NTTS nước lợ, Thái Thụy sẽ đầu tư nuôi chuyên 200 ha cá vược, cá song, cá rô phi lai xa. Đồng thời, huyện cũng đã quy hoạch mở rộng diện tích vùng nuôi ngao nước mặn từ 169 ha lên 500 ha tại vùng bãi triều ven biển các xã Thái Đô, Thái Thượng, Thụy Trường. Với hướng đi này, sẽ tạo bước đột phá mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nghề NTTS ở các xã vùng ven biển của huyện Thái Thụy./.
 
AGROINFO - Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
 
 

Tin khác