Quảng Bình :Khuyến công, tạo động lực phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn

23/03/2011

Sau gần 7 năm thực hiện Nghị định 134/2004/NĐ-CP ngày 9/6/2004 quy định khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, sự phát triển nghề, làng nghề và cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) với các loại hình như HTX tiểu thủ công nghiệp (TTCN), doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân... ở Quảng Bình đã có những khởi sắc đáng kể.

* Tạo động lực từ khuyến công
Quảng Bình là tỉnh có nhiều cơ sở sản xuất như Xí nghiệp (XN) chế biến Tơ tằm Minh Thành, chế biến nguyên liệu mây Phương Bắc, Sản xuất nước tinh khiết Suối Mơ, Sơ chế mủ cao su Lê Hoá (Tuyên Hoá) và hộ cá thể gia đình mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để phát triển sản xuất công nghiệp-TTCN ở nông thôn. Bên cạnh đó, còn rất nhiều doanh nghiệp chế biến các sản phẩm thuỷ sản ăn liền, chế biến nước mắm, nước tinh khiết, chế biến mủ cao su, sản xuất các sản phẩm composit, sản xuất mộc mỹ nghệ, đóng và sửa chữa tàu thuyền, gia công cơ khí ...và hàng trăm dự án phát triển sản xuất khác đã góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động và tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn.
Mặt khác, nhằm hỗ trợ nguồn nhân lực cho các cơ sở sản xuất và tạo động lực để phát triển CNNT, nguồn kinh phí Khuyến công trong những năm qua đã tham gia hỗ trợ đào tạo 4000 lao động, chủ yếu là các ngành nghề: mây tre đan; nón lá; thêu ren; may công nghiệp; đóng tàu thuỷ. Đến nay, số lượng lao động được đào tạo đều có việc làm ổn định. Nguồn kinh phí khuyến công cũng hỗ trợ cho hàng trăm lượt cơ sở thay đổi công nghệ, đầu tư mở rộng phát triển sản xuất. Các cơ sở, doanh nghiệp được đầu tư hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, thay đổi công nghệ, đào tạo lao động và đặc biệt là thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh phù hợp với yêu cầu công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn trong tình hình mới. Ngoài ra, nguồn quỹ khuyến công cả Trung ương và địa phương còn động viên và huy động các nguồn lực trong nước và ngoài nước tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức các nhân đầu tư sản xuất CNNT và các dịch vụ khuyến công theo quy hoạch phát triển CN của cả nước và từng địa phương.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc phát triển, nhân cấy ngành nghề TTCN ở Quảng Bình gặp không ít khó khăn như: nghề đào tạo chủ yếu là nghề mới, thời gian đào tạo ngắn vì vậy người lao động chỉ sản xuất được một số mặt hàng đơn giản, giá thành thấp nên thu nhập từ nghề chưa cao khiến người lao động chưa mặn mà với nghề mới được đào tạo. Do đó, các nghề này chưa tự nhân rộng được. Trong khi phần lớn các cơ sở sản xuất CNNT đều gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư, mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn nhỏ lẻ thì hầu như các chủ cơ sở mới chỉ phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng tự phát. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác khuyến công từ Trung ương đến địa phương chưa đầy đủ và cụ thể, chậm được triển khai phổ biến đến cơ sở, định mức hỗ trợ kinh phí khuyến công theo quy định của Nhà nước còn thấp nên chưa kích thích được người dân, doanh nghiệp đầu tư vốn vào phát triển CNNT. Việc đào tạo nghề về TTCN đặc biệt là tại các huyện miền núi cũng đang gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, kinh phí khuyến công dành cho các dự án còn thấp hơn nhiều so với nhu cầu nên hiệu quả các hoạt động chưa cao.
* Trọng tâm là các mặt hàng mỹ nghệ
Với mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ khôi phục và khuyến khích phát triển các ngành nghề, làng nghề nghề truyền thống, tỉnh Quảng Bình ưu tiên phát triển ngành nghề chế biến nông lâm thuỷ hải sản, mây tre, nón lá, thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm, thực phẩm, đồ uống và du nhập thêm các nghề mới. Trước mắt trong giai đoạn 2011- 2015, tỉnh tiếp tục phát triển mạnh các mặt hàng truyền thống về chế biến thuỷ hải sản tại các xã, phường ven biển; mở rộng và phát triển nghề chế biến thuỷ sản các địa phương ven sông Gianh, sông Nhật Lệ. Cùng với việc phát triển các cơ sở chế biến thức ăn gia súc, nuôi trồng thuỷ sản tại các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hoá và thành phố Đồng Hới, tỉnh khuyến khích đầu tư mở rộng, phát triển các sản phẩm mới có chất lượng cao tại trung tâm các huyện, thành phố Đồng Hới như: Thiết bị đồ dùng dạy học, may mặc, giày da, sản xuất đồ cơ khí, điện, điện tử, vật liệu mới. Tỉnh cũng áp dụng khoa học công nghệ mới nhằm phát triển nghề nón lá, mây tre đan, chiếu cói, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm hiện có; đồng thời khuyến khích phát triển các mặt hàng mỹ nghệ có chất lượng cao phục vụ du lịch và xuất khẩu.
Đến giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh sẽ tập trung đầu tư công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm các mặt hàng truyền thống chế biến thuỷ hải sản, nông sản, thực phẩm tại các xã phường ven biển, dọc đường Hồ Chí Minh và đường 12A; đồng thời phát triển các mặt hàng mây tre đan, nón lá, hàng thủ công mỹ nghệ đều khắp các địa phương trong tỉnh. Tỉnh khuyến khích phát triển các mặt hàng mỹ nghệ có chất lượng cao, các mặt hàng thực phẩm ăn liền cao cấp phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, như: các loại bánh, đồ hộp, nước uống, kết hợp việc phát triển thương hiệu và đăng ký chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Song song với đó chú trọng phát triển các ngành nghề dịch vụ xây dựng, vận tải, cơ khí, chế biến nguyên liệu phục vụ đầu tư sản xuất CN ở các địa phương, các nhà máy thuỷ điện đầu nguồn sông Gianh, sông Long đại, sông Kiến Giang và các trung tâm kinh tế, CN khác của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh duy trì, khuyến khích phát triển các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, thiệt bị, đồ dùng dạy học, may mặc, giày da, sản xuất cơ khí, điện, điện tử, vật liệu mới hiện có; tiếp tục đào tạo nâng cao tay nghề, chú trọng công tác tuyên truyền, tư vấn sản xuất kinh doanh cho các cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh.
Hiện tỉnh Quảng Bình đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện từ công tác lập quy hoạch, đề án như quy hoạch phát triển CN-TTCN, quy hoạch phát triển các cụm điểm TTCN&NNNT, đề án sản xuất hàng lưu niệm và tiêu dùng phục vụ du lịch cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Từ công tác lập quy hoạch, tỉnh sẽ hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu, như vùng trồng dâu nuôi tằm, gỗ nguyên liệu, trồng cây cao su, dược liệu, phân vùng khoanh nuôi bảo vệ các loại song mây, giang, tre nứa, lồ ô, lá nón… và vùng trồng mới nguyên liệu mây để cung cấp nguyên liệu ổn định cho các cơ sở sản xuất. Tỉnh không chỉ chú trọng công tác đào tạo công nhân kỹ thuật, giáo viên thực hành, bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật, quản lý cho các chủ cơ sở sản xuất, tổ chức tốt công tác đào tạo nghề cho người lao động với nhiều hình thức như: xây dựng mạng lưới khuyến công từ tỉnh đến cơ sở, mà còn tổ chức tập huấn đào tạo, du nhập nghề mới, hướng dẫn chuyển giao công nghệ, xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất về pháp luật, lập dự án đầu tư, cung cấp thông tin về thị trường và tiêu thụ sản phẩm….
Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ các cơ sở sản xuất đầu tư chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới trang thiết bị, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; xây dựng thương hiệu, đăng ký mã vạch, mã vùng, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm. Tỉnh cũng khuyến khích các cơ sở sản xuất CN-TTCN ở địa phương phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm truyền thống; thành lập các doanh nghiệp đầu mối để cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở sản xuất, hộ gia đình và các làng nghề, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm. Ngoài ra, thực hiện tốt sự liên kết “bốn nhà” giữa nhà nước, nhà khoa học, người cung cấp nguyên liệu với các doanh nghiệp; khuyến cáo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất từng bước áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, môi trường tiên tiến./.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn:http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=451197


Tin khác