Lạng Sơn tạo “cú hích” thúc đẩy chăn nuôi phát triển

16/03/2011

Đàn bò của tỉnh Lạng Sơn tuy vẫn đang trên đà phát triển, nhưng đa phần các mô hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh là nhỏ lẻ, chất lượng của đàn vật nuôi chưa được chú trọng đúng mứcChính vì vậy việc cải tạo chất lượng đàn vật nuôi, đặc biệt là đàn bò là một nhiệm vụ đặt ra vừa cấp bách, vừa lâu dài đối với ngành chăn nuôi Lạng Sơn.

Trạm khuyến nông huyện Chi Lăng đã triển khai chương trình cải tạo đàn bò vàng địa phương từ năm 1999 bằng phương pháp thụ tinh tự nhiên. Phương pháp này dùng bò đực Lai sin thụ tinh với bò cái địa phương để tạo ra những con lai có tầm vóc và sức khỏe tốt hơn. Mô hình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, chỉ trong vòng 2 năm thực hiện đã tạo ra được trên 70 con bê lai. Từ năm 2007 đến nay, Chi Lăng tiếp tục đưa vào nhiều mô hình trồng cỏ thâm canh để vỗ béo bò thịt tại các xã Vạn Linh, Hòa Bình, Bằng Mạc…Kết quả, chỉ trong một thời gian ngắn, trọng lượng của đàn bò thịt tại các xã trên đã tăng lên đáng kể, trung bình tăng từ 0,7 - 0,8kg/con/ngày đối với bò lai tăng từ 1 - 1,2kg/con/ngày. Nhờ đó hiệu quả kinh tế được nâng lên một cách rõ rệt.
 
Không riêng huyện Chi Lăng, mà trong thời gian qua, nhiều địa phương khác trong địa bàn tỉnh cũng tích cực triển khai các mô hình cải tạo đàn đại gia súc nhờ có Quyết định 420 của UBND tỉnh về cải tạo và phát triển đàn bò được triển khai một cách có hiệu quả. Mới đây, UBND tỉnh đã tiếp tục ban hành Quyết định tiếp tục ban hành chính sách “Hỗ trợ lãi xuất vốn vay để mua trâu, bò cái sinh sản và trâu, bò đực giống”. Đối tượng được hỗ trợ là hộ chăn nuôi, các hợp tác xã có điều kiện hoạt động chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có nhu cầu vay vốn để mua trâu, bò cái sinh sản và trâu, bò đực giống được hỗ trợ lãi xuất vốn vay ngân hàng. Mức cho vay phụ thuộc vào các phương án, dự án mà các ngân hàng cho vay thẩm định. Thời hạn vay tối đa 05 năm kể từ ngày vay tiền; thực hiện từ ngày chính sách được ban hành có hiệu lực đến 31 tháng 12 năm 2015. Ngân sách của tỉnh hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay từ các ngân hàng. Phương pháp hỗ trợ cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo theo hình thức: Mỗi huyện, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế chăn nuôi trâu, bò lựa chọn từ 1 đến 4 người từ lực lượng Thú y viên cơ sở ở các xã, phường và thị trấn và phải có chứng nhận đã học qua lớp thụ tinh nhân tạo tại những cơ sở được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận để thực hiện công tác thụ tinh nhân tạo. Truyền tinh viên được hỗ trợ tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ và được giao quản lý, sử dụng một bộ thiết bị ban đầu phục vụ công tác thụ tinh nhân tạo. Đây là một động lực lớn để các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng đàn vật nuôi.
 
Ngoài ra, trong thời gian qua, đã có những địa phương chủ động và có cách làm sáng tạo, như ở Bình Gia đã thực hiện biện pháp bình tuyển và đảo trâu đực giống để tránh thoái hóa đàn do lai cận huyết, phương pháp này đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Đối với chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác cũng đã và đang bắt đầu có sự chú trọng về con giống, nhiều hộ chăn nuôi đã tìm hiểu và liên hệ tại những trung tâm giống lớn, đáng tin cậy trong nước để mua các giống mới như lợn siêu nạc, lợn lai, gà lương phượng…và cũng từ nguồn giống này, một phần họ tự chủ động được giống có chất lượng cho nhu cầu chăn nuôi của gia đình, mặt khác bước đầu cung cấp cho các hộ chăn nuôi lân cận, qua đó tạo điều kiện để nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế của đàn vật nuôi.
 
Cải tạo chất lượng đàn vật nuôi là một hướng đi đúng để nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển chăn nuôi theo chiều sâu. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn việc cải tạo đàn vật nuôi gặp phải một số khó khăn do phụ thuộc nguồn giống ở các nơi khác, công tác thanh tra, kiểm tra giống vật nuôi còn gặp nhiều hạn chế và đặc biệt là tập quán chăn nuôi của người dân còn lạc hậu nên chất lượng vật nuôi cũng còn nhiều hạn chế. Từ thực tế trên, năm 2011, Lạng Sơn triển khai xây dựng quy hoạch về chăn nuôi, đây là một bước ngoặt, một "cú hích" mạnh mẽ thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Quy hoạch sẽ giúp các địa phương, các phòng chuyên môn định hướng phát triển chăn nuôi một cách đúng đắn và ngay cả các doanh nghiệp, khi có quy hoạch, họ cũng sẽ mạnh dạn đầu tư về vốn, giống và khoa học kỹ thuật góp phần đưa chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng nhằm khai thác thế mạnh của một tỉnh miền núi./.
 
AGROINFO – Theo TTXVN

Tin khác