Hôm nay (16/3), Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2010 sẽ chính thức được công bố. Bảng xếp hạng này được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát 7.300 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố.
Cơ hội ngôi đầu
Áp lực của Đà Nẵng, địa phương 2 năm liền giữ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng PCI có lẽ lớn hơn các tỉnh khác, khi phải vượt qua những thành tích của chính mình trong bối cảnh các địa phương khác đều nỗ lực để đạt được những hình ảnh đẹp nhất trong góc nhìn từ cộng đồng doanh nghiệp.
Nhìn vào kết quả của Đà Nẵng trong xếp hạng PCI năm 2009, có thể thấy, việc duy trì vị trí số 1 trên bảng xếp hạng chủ yếu nhờ vào các nỗ lực của chính quyền Thành phố trong việc giảm chi phí gia nhập thị trường (9,52 điểm so với 9,36 điểm năm 2008), nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của bộ máy hành chính các cấp (7,27 điểm), giảm chi phí về thời gian và việc thực hiện các quy định của Nhà nước (8,60 điểm so với 5,93 điểm năm 2008), tính tiên phong và năng động của lãnh đạo Thành phố (7,70 điểm so với 7,40 năm 2008), chất lượng lao động và các giải pháp của chính quyền Thành phố trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động tiếp cận thị trường việc làm (7,69 điểm)…
Tuy nhiên, nếu so với các địa phương khác, Đà Nẵng mới được điểm cao nhất ở nỗ lực giảm chi phí gia nhập thị trường. Các chỉ số khác dù ở mức tốt, cao hơn điểm trung vị, nhưng vẫn chưa tạo nên khoảng cách an toàn với các tỉnh trong nhóm rất tốt của Bảng xếp hạng.
Bà Đồng Thị Bích Chính, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng thừa nhận, không dễ giữ ngôi đầu khi các địa phương đều nỗ lực cải thiện mạnh môi trường kinh doanh. “Đà Nẵng có cách đi riêng là xây dựng tiêu chí chấm điểm cho các cơ quan thực hiện dịch vụ công để tự chấm điểm công việc của mình, có tổ thẩm định lại trên cơ sở các đánh giá độc lập và đánh giá chéo…”, bà Chính cho biết.
Tuy không đưa ra nhận định nào về thứ hạng của Đà Nẵng trong lần xếp hạng này, song bà Chính tin rằng, Đà Nẵng sẽ vẫn duy trì sức hấp dẫn với các nhà đầu tư. “Kết quả đánh giá từ phía doanh nghiệp qua khảo sát độc lập của Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Đà Nẵng vừa qua cho thấy rất khả quan”, bà Chính tiết lộ.
Nỗ lực người chốt bảng
Trong lần công bố PCI năm 2009, Cao Bằng đứng ở vị trí cuối bảng, với 45,43 điểm, cách rất xa so với vị trí đứng đầu là Đà Nẵng, với 75,96 điểm. Cao Bằng đồng thời cũng đứng chốt bảng ở các chỉ số đánh giá về tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí gia nhập thị trường, chi phí không chính thức, tính năng động của lãnh đạo tỉnh, khả năng tiếp cận đất đai. Nếu như so với 4 năm liền được xếp hạng (từ năm 2006 đến 2009), thì ở khá nhiều chỉ số, Cao Bằng tụt hạng so với chính mình.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư trước khi PCI 2010 được công bố, ông Bùi Đình Triệu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cao Bằng thừa nhận, thứ hạng không mấy vui của CPI 2009 đã tạo áp lực rất lớn đối với các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là các cơ quan liên quan trực tiếp tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
“Cao Bằng đang xây dựng lộ trình cải tiến thứ hạng PCI trong kế hoạch năm 2011 và trong giai đoạn 2011 - 2015. Ngay trong năm 2010, chúng tôi đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức nhiều cuộc làm việc với doanh nghiệp, phân tích các góc độ của các chỉ số thành phần tạo nên PCI để hiểu rõ những vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải khiến họ chấm điểm thấp”, ông Triệu cho biết.
Còn không ít vấn đề khúc mắc xung quanh vị trí cuối bảng của Cao Bằng, song ông Bùi Đình Triệu cho biết, nỗ lực cải thiện thứ hạng PCI của tỉnh Cao Bằng đã đem lại những kết quả nhất định, như thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được rút ngắn đáng kể; hoạt động xúc tiến đầu tư với các thông tin công khai, minh bạch đã thu hút được sự quan tâm nhiều hơn của giới đầu tư…
“Có thể, vị trí của Cao Bằng chưa cải thiện được nhiều trong lần công bố này bởi tác động của những thay đổi sẽ có độ trễ. Tuy nhiên, điều mà tôi tin tưởng là các nhà đầu tư, các doanh nghiệp ở Cao Bằng sẽ ghi nhận những thay đổi tích cực của môi trường kinh doanh của Cao Bằng, thể hiện qua số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Cao Bằng tăng lên”, ông Triệu chia sẻ.
AGROINFO – Theo Báo Đầu tư
Nguồn: