Điều “cao” đầu tiên là “giá nông sản phải cao”, bởi vì giá nông sản là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ cung cầu sản phẩm nông nghiệp, về cơ bản chúng phải tuân theo cơ chế thị trường. Nhưng trong thời gian qua, giá nông sản ở nhiều nước đã không tuân theo qui luật đó, mà chịu nhiều tác động và bị bóp méo bởi 4 yếu tố chính sau đây:
1) Yếu tố thứ nhất: Cung không đủ cầu, hoặc cung không kịp nhu cầu, đặc biệt là ở các nước đông dân số tại châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN có dân số chiếm hơn một nửa dân số thế giới, có tốc độ phát triển kinh tế không ngừng gia tăng, nhu cầu về lương thực tăng mạnh, những nước này vừa XK nhưng đồng thời họ vẫn là những nước thực nhập lương thực và nông sản (nhất là trong những thời điểm thiếu lương thực) làm cho giá nông sản trên toàn cầu tăng cao.
Tương tự, sản lượng dầu của thế giới chỉ đạt 80 triệu thùng/ngày, trong khi nhu cầu cần 83 triệu thùng/ngày, đó là một trong các lý do làm cho giá dầu trên thị trường tăng cao và có thể lên đến 200USD/thùng. Có thể kết luận rằng “thời đại lương thực và dầu giá rẻ không còn nữa”. Trước tình trạng đó, chính phủ nhiều nước đã thực hiện “chính sách can thiệp vào cơ chế thị trường” làm cho giá nông sản không tuân theo qui luật tự nhiên gây ra tình trạng bán gạo “giá rẻ” hoặc “ghìm giá năng lượng” tạo thành “quả bom hẹn giờ” đe dọa phát sinh nhiều vấn đề trong tương lai.
2) Yếu tố thứ hai: “Việc đầu cơ hàng hóa kiếm lời của quĩ Hedge Fund cũng là một yếu tố quan trọng làm tăng tối thiểu 30% giá nông sản và giá dầu, bởi vì hiện nay những quĩ Hedge Funds đã chuyển từ đầu cơ “cổ phiếu và thị trường tiền tệ” sang đầu cơ hàng hóa vì nhận thấy rằng giá nông sản có chiều hướng tăng lên không ngừng ảnh hưởng chung đến giá cả hàng hóa. Đặc biệt, giá gạo tăng nhanh chóng xuất phát từ sự đầu cơ mua “tương lai” của những quĩ này làm cho giá hàng hóa hiện nay đang bị bóp méo.
3) Yếu tố thứ ba: “Chính sách của chính phủ can thiệp vào giá nông sản”. Chính phủ nhiều nước kể cả chính phủ của những nước đang phát triển và những nước giàu mạnh hoặc âm thầm hoặc công khai ủng hộ và can thiệp vào giá nông sản với nhiều hình thức khác nhau đã bóp méo giá cả và làm rối loạn cơ chế thị trường nhằm cố gằng ghìm thấp giá hàng hóa xuống.
Lấy ví dụ: Philipinnes trước đây có khả năng xuất khẩu gạo nhưng vì chính phủ can thiệp vào giá gạo làm cho gạo có giá thấp, hậu quả là nông dân bỏ trồng lúa và Philipinnes trở thành nước nhập khẩu gạo đứng đầu thế giới, khoảng 2 triệu tấn/ năm.
Chính vì vậy, ông Robert B. Zoellick, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, là một trong nhiều người kiến nghị chính phủ các nước “không nên sử dụng giải pháp kiểm soát giá nông sản và lương thực thực phẩm”, bởi vì điều đó “cưỡng lại cơ chế thị trường và gây ra sự méo mó lớn của giá cả dẫn đến sự thiếu hụt hàng hóa”.
4) Yếu tố cuối cùng: Tác động của hiện tượng “ấm lên toàn cầu” (Global warming) hiện đang gây ra sự biến đổi khí hậu (Climate Change) ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa gạo giảm xuống khiến không cung cấp đủ nhu cầu của thị trường thế giới, kết quả là nông sản và thực phẩm có giá cao chưa từng thấy.
Vì vậy, điều cao thứ nhất là “giá nông sản phải cao” , đó là thả nổi giá nông sản theo qui luật cung cầu và cơ chế thị trường, chính phủ không nên can thiệp hoặc kiểm soát giá làm cho giá cả bị méo mó và không đạt kết quả.
Điều cao thứ hai là “thu nhập của người lao động phải cao” tương xứng với giá nông sản và giá lương thực đang ở mức cao. “Lý thuyết hai điều cao” tập trung vào thu nhập của hai nhóm người chiếm số đông trong một quốc gia, đó là:
1- Người dân cư ngụ ở nông thôn chiếm tỉ lệ lớn trong dân số phải có thu nhập cao.
2- Thu nhập của viên chức nhà nước và người lao động cũng phải được nâng lên.
Tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn: Nếu thả cho giá nông sản vận động theo cơ chế thị trường thì thu nhập của người nông dân sẽ tăng lên, sức mua mạnh hơn, kích cầu và chi tiêu trong hệ thống kinh tế làm cho nền kinh tế quốc gia chuyển biến tích cực.
Mặt khác, nhà nước phải có chính sách và giải pháp khuyến khích “nâng cấp lĩnh vực nông nghiệp cho có hiệu quả cao hơn”. Nhà nước nên coi trọng “nông nghiệp truyền thống”, đó là những người nông dân cá thể nhỏ lẻ, bằng cách đầu tư phát triển dịch vụ và hạ tầng cơ sở cho nông nghiệp như: thủy lợi, hỗ trợ kỹ thuật và hệ thống cung ứng hậu cần (logistic) nhằm tăng năng suất nông nghiệp, giảm rủi ro và tăng khả năng thương thảo của người nông dân, giúp họ đạt được giá cả công bằng. Như vậy sẽ giúp “nông nghiệp truyền thống” phát triển đồng hành với “nông nghiệp tiên tiến” mà hiện nay nhiều hộ nông dân đã thực hiện rất hiệu quả. Từ kinh nghiệm của Thái Lan, chính điều đó làm cho ngành nông nghiệp của đất nước Thái Lan phát triển vững mạnh và tăng cao mức thu nhập cho vùng nông thôn.
Đối với việc tăng thu nhập cho người thành thị là những người lao động phổ thông và cán bộ viên chức có thu nhập quá thấp và đời sống chịu ảnh hưởng nhiều từ cơn bão giá thực phẩm và năng lượng thì nên quan tâm xem xét “điều chỉnh thu nhập” cho tương đồng với “giá cả tăng cao”, nhằm làm cho nhân dân thuộc khối này có thể đứng vững được trong tình hình kinh tế hiện nay. Nói cách khác, nếu thả nổi giá nông sản theo cơ chế thị trường thì người nông dân có thu nhập cao sẽ mua nhiều hàng hóa từ thành thị sản xuất ra, khuyến khích cả nông nghiệp lẫn công nghiệp phát triển tạo điều kiện nâng cao thu nhập của nông dân lẫn người dân đô thị. Mặt khác mỗi người dân, trong hoàn cảnh thách thức ngày nay cũng phải điều chỉnh cách sống, đặc biệt là vấn đề chi tiêu cho phù hợp với thu nhập và chi phí sinh hoạt đã tăng lên theo nguyên tắc “trang trải đủ tiêu dùng”.
Ngoài ra nếu nông dân, thành phần chiếm tỉ lệ lớn trong dân số, có thu nhập cao hơn sẽ có khả năng tiêu dùng nhiều và là động lực thúc đẩy nền kinh tế chung phát triển bền vững.
Chính vì vậy, có thể thấy rằng “thuyết hai cao” là “qui tắc vàng” trong kinh tế học, hoàn toàn có thể áp dụng vào thực tế. Đây là cơ hội để các nước đưa “thuyết hai cao” vào áp dụng trong thời kỳ hiện nay, thời kỳ mà giá nông sản có chiều hướng tăng cao. Thái Lan cũng như Việt Nam là nước nông nghiệp, phần lớn dân số là nông dân, do đó chính phủ cả 2 quốc gia nên coi trọng lĩnh vực nông nghiệp hơn nữa nhằm làm cho đất nước bảo vệ được cương vị là “hũ gạo” hoặc “là người sản xuất gạo quan trọng của thế giới” và đem lại sự thịnh vượng vững bền cho đất nước.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/73423/Default.aspx