Nếu như mục tiêu chung của cả nước đến năm 2015 sẽ có 20% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới thì Bắc Ninh phấn đấu thực hiện cao gấp hơn 2 lần - khoảng 50% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới (NTM).
Về Đông Thọ (Yên Phong, Bắc Ninh) vào những ngày này, chúng tôi được đi trên những con đường nhựa, bê tông phẳng lì. Diện mạo nông thôn nơi đây như đang thay da, đổi thịt từng ngày. Đáng lưu ý, Đông Thọ là 1 trong 2 xã ở Bắc Ninh đạt từ 15-18 tiêu chí NTM và cũng là 1 trong 8 xã điểm thực hiện xây dựng NTM trong năm 2011.
Đổi đất làm nông thôn mới
Dẫn chúng tôi về Bình An, thôn xa nhất của xã Đông Thọ, Trưởng thôn Đỗ Văn Kiên khoe đầy tự hào: "Dù là thôn xa nhất của xã, nhưng thôn chúng tôi cơ bản đạt được gần hết các tiêu chí về NTM. Nếu việc làm điểm xây dựng NTM thành công thì nông thôn ở Bình An nói riêng và Đông Thọ nói chung chẳng khác gì so với thành thị là bao".
Dọc hai bên đường liên thôn, nhà cửa cao tầng mới mọc lên san sát cùng với hệ thống thoát nước, điện, cây xanh đồng bộ, tạo nên bộ mặt khang trang cho một vùng quê.
Theo báo cáo của xã, thu nhập bình quân đầu người ở Đông Thọ là 13,7 triệu đồng/năm, nhưng ông Kiên cho rằng mức thu nhập thực tế của người dân trong thôn còn cao hơn nhiều. Bởi, ở vùng quê này, dường như không có người nào nhàn rỗi, hay thiếu công ăn việc làm. Cùng với sản xuất nông nghiệp, đa số người dân trong thôn đều trang bị cho mình một nghề phụ để kiếm sống.
Ở Bình An, cùng với nghề "cha truyền, con nối" là thu gom phế liệu, tóc dài, tóc rối, đồng, nhôm..., nhiều hộ trong thôn đã chuyển sang các ngành nghề sản xuất, kinh doanh mới như sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, chế biến sắt thép...
Ông Mẫn Văn Bẩy- Chủ tịch UBND xã Đông Thọ cho biết: "Trong 19 tiêu chí NTM đặt ra, Đông Thọ đã cơ bản đạt được 16 tiêu chí, 3 tiêu chí còn lại xã phấn đấu trong năm 2011 sẽ hoàn thành. Xã đang lên kế hoạch khẩn trương hoàn thành các hạng mục, công trình còn thiếu như: Các đường trục chính nội đồng, xây dựng chợ khu trung tâm, nhà văn hóa xã và trụ sở làm việc của xã...".
Theo tính toán, tổng nguồn vốn cho các công trình này ngót nghét gần 100 tỷ đồng, trong đó gần 90% số vốn này được lấy từ ngân sách T.Ư, tỉnh và vốn do "đổi đất lấy hạ tầng" ở địa phương.
Mục tiêu và trăn trở
Bắc Ninh đang phấn đấu để trở thành tỉnh công nghiệp, tuy nhiên toàn tỉnh vẫn còn có 100 xã nông nghiệp phải phấn đấu để trở thành xã NTM. Hiện nay, Bắc Ninh đã chọn 8 xã làm thí điểm xây dựng nông thôn mới để nhân rộng toàn tỉnh.
Ông Nghi Quang Toán - Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho biết: "Mục tiêu đến năm 2015 có 50% số xã ở Bắc Ninh đạt tiêu chí NTM".
Thực tế, nhiều vùng nông thôn ở Bắc Ninh đang thay da, đổi thịt từng ngày. Tại hầu hết các huyện, thị xã, các khu, cụm công nghiệp gắn với đô thị, dịch vụ, tạo cơ sở vững chắc trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng thu ngân sách. Công nghiệp về làng, nghề mới về nông thôn đem đến sức sống kỳ diệu cho những miền quê vốn trước đây nghèo khó.
Theo ông Đinh Văn Minh, cán bộ giao thông - nông nghiệp xã Tân Chi (Tiên Du, Bắc Ninh): "So với trước đây, bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi, đường làng, ngõ xóm được cứng hóa gần như 100%. Tuy nhiên, hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cấp thôn, xã vẫn còn thiếu, cần phải quan tâm đầu tư trong thời gian tới".
Một điều đáng lo là nguy cơ ô nhiễm môi trường khi phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các thôn, xóm. Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đã có chính sách hỗ trợ các xã trong việc thu gom, xử lý rác thải nông thôn; đồng thời đầu tư 100% cho các chương trình nước sạch nông thôn. Thế nhưng, với phương thức sản xuất theo hộ gia đình là chính, việc xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường trong các làng, xóm vẫn là một nỗi lo lớn.
Theo tính toán, để hoàn thiện những chỉ tiêu NTM, riêng tổng nguồn vốn đầu tư cho 50 xã giai đoạn 2010-2015 là 2.112 tỷ đồng; giai đoạn 2015-2020 đầu tư cho 30 xã là 1.645 tỷ đồng. Số vốn này hiện nay phần lớn dựa vào nguồn T.Ư cấp, ngân sách của tỉnh và thu từ việc "đổi đất lấy hạ tầng" ở địa phương, chứ chưa huy động được sự đóng góp từ phía người dân.
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay