Đồng bằng sông Cửu Long: Đẩy mạnh sản xuất lúa năm 2011

03/03/2011

Theo Bộ NN và PTNT, tính đến thời điểm hiện nay diện tích gieo sạ vụ đông xuân tại đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 700 nghìn ha. Tuy nhiên, theo dự báo sẽ có một số khó khăn xảy ra vào cuối vụ đông xuân 2010 - 2011 như một số diện tích có khả năng không đủ nước ngọt tới cuối vụ, xâm nhập mặn, tập trung ở các nơi cuối nguồn nước ngọt.

Hiện, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang đẩy mạnh kế hoạch sản xuất lúa năm 2011. Bộ NN và PTNT cho biết, các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thường xuyên đẩy mạnh công tác định hướng thời vụ sản xuất và cơ cấu giống lúa; tăng cường liên kết trong việc sản xuất và tiêu thụ lúa, có sự thống nhất về cơ cấu chất lượng giống trong từng vụ sản xuất với Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Do vậy, diện tích sản xuất lúa trong vùng năm 2010 đạt 4.366.476 ha, tăng 103.287 ha so với năm 2009. Năng suất bình quân: 5,39 tấn/ha, tăng 1,35 tạ/ha. Sản lượng 23.516.924 tấn, tăng 1.132.321 tấn.
Mục tiêu sản xuất lúa năm 2011 nhằm ổn định diện tích các vụ đông xuân và hè thu như: tăng diện tích sản xuất lúa thu đông, lúa trên đất nuôi tôm; tăng năng suất lúa bình quân trong toàn vùng và tăng sản lượng cả năm; xây dựng các mô hình sản xuất lúa theo hướng GAP… Trong đó, diện tích vụ đông xuân 1.550.000 ha, diện tích hè thu 1.650.000 ha, diện tích thu đông 600.000 ha và diện tích vụ mùa 300.000 ha.
Tuy nhiên, theo dự báo sẽ có một số khó khăn sẽ xảy ra vào cuối vụ đông xuân 2010 - 2011 như: một số diện tích có khả năng không đủ nước ngọt tới cuối vụ, xâm nhập mặn, tập trung ở các nơi cuối nguồn nước ngọt. Ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến lúa đông xuân 2010 - 2011: diện tích lúa đông xuân ven biển: Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Bến Tre: 620.000 ha/1.500.000 ha chiếm 40% diện tích toàn vùng. Diện tích có nguy cơ xâm nhập mặn cao nhất: khoảng 100.000 ha/650.000 ha, chiếm 16 % diện tích canh tác lúa của các tỉnh trên.
Trước thực tế này, ngành nông nghiệp đã triển khai một số giải pháp nhằm ổn định diện tích lúa của khu vực ĐBSCL. Trong đó, yêu cầu các địa phương cần nắm chặt diễn biến của rầy nâu ngoài đồng, vận động nông dân phun trừ rầy tại các nơi có mật số rầy nâu cao, không để cho rầy nâu có điều kiện tích lũy mật số gây hại và lan truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá sang các trà lúa hè thu sớm 2011.
Đặc biệt, từ vụ hè thu 2011, vùng ĐBSCL sẽ triển khai sẽ triển khai xây dựng cánh đồng mẫu theo hướng hiện đại, do vậy các địa phương cần tập trung tuyên truyền, tập huấn cho nông dân ứng dụng biện pháp kỹ thuật; tập trung ứng dụng rộng mô hình “Quản lý dịch hại bằng công nghệ sinh thái” trong thâm canh lúa (trồng hoa để hấp dẫn thiên địch) và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng an toàn, hiệu quả.
Ngoài ra, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa thu hoạch lúa, áp dụng chương trình liên kết doanh nghiệp sấy lúa, nông dân ứng dụng việc ghi chép (đảm bảo truy nguyên nguồn gốc) sao cho phù hợp với từng vùng. Đây là một khâu quan trọng trong giảm thất thoát, giảm chi phí thu hoạch và nâng cao phẩm chất lúa gao.
Cùng với đó, các tỉnh cần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác điều tra phát hiện, tổng hợp tình hình để nắm chắc diễn biến của sâu bệnh trong tỉnh, trong vùng; ra thông báo, dự báo xu thế phát sinh của sâu bệnh hại quan trọng để có biện pháp chỉ đạo kịp thời hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra ở mức thấp nhất.
Được biết, cùng với đóng góp hàng năm khoảng 18% GDP của cả nước, đồng bằng sông Cửu Long còn là vùng sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản hàng hoá lớn nhất Việt Nam. Hiện Chính phủ đã và đang có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ và tạo thuận lợi để ĐBSCL phát triển trở thành vùng trung tâm lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản lớn của cả nước.

Agroinfo - Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nguồn: http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=448333


Tin khác