Đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU : Nhìn từ những cơ hội và thách thức

03/03/2011

Trong thời gian tới đây, VN đang có kế hoạch đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU) – bao gồm 27 nước thành viên. Với tính chất là cam kết mở cửa thị trường mạnh và sâu của các bên tham gia (ví như loại bỏ hoàn toàn nhiều dòng thuế nhập khẩu, mở cửa dịch vụ, các vấn đề về hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá…), nếu được ký kết, VN-EU FTA chắc chắn sẽ có tác động rất lớn đến triển vọng kinh doanh của các ngành và nền kinh tế của VN bởi EU là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của nước ta.

Theo đó, để các doanh nghiệp, hiệp hội có thêm thông tin về ý định của EU, những bài học kinh nghiệm thực tế từ các nước đã ký FTA với EU, những lợi ích và bất lợi mà FTA này có thể mang đến cho VN nói chung cũng như đối với một số ngành nói riêng, từ đó chuẩn bị tốt hơn chiến lược kinh doanh dài hạn của mình cũng như có hoạt động vận động chính sách thích hợp với các cơ quan đàm phán VN; ngày 2/3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) với sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên (MUTRAP III) tổ chức Hội thảo “Đàm phán Hiệp định thương mại tự do VN – EU: Cơ hội và thách thức cho VN?”. Ngoài ra, một hội hội thảo tương tự cũng sẽ được tiến hành tại TP. Hồ Chí Minh trong ngày 3/3/2011.
Nếu FTA VN - EU được ký, các mặt hàng xuất khẩu của VN như dệt may, da giày, đồ gỗ có thể tăng trưởng thêm 6%.
 
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chiến dịch vận động chính sách của doanh nghiệp VN đối với Hiệp định thương mại tự do VN – EU của VCCI, được thực hiện trong khuôn khổ dự án MUTRAP III với tài trợ của Liên minh châu Âu.
Có thể thấy, quan hệ thương mại VN – EU trong những năm gần đây đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đầy ấn tượng. EU – một khu vực kinh tế đa dạng với 27 quốc gia thành viên đã trở thành một trong những đối tác thương mại quan tọng nhất của VN. Năm 2010, EU đứng thứ hai trong các nước xuất khẩu lớn nhất của VN và đứng thứ năm trong nhập khẩu vào VN. Trong khi đó, VN tuy hiện tại vẫn là một đối tác nhỏ của EU (đứng thứ 31 trong nhập khẩu vào EU và đứng thứ 41 trong xuất khẩu từ EU) nhưng đầy tiềm năng với một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và một thị trường dân số trẻ với sức hấp thụ hàng hóa, dịch vụ lớn, một địa chỉ đầu tư hấp dẫn, ổn định…
Từ góc độ Chính phủ, VN và EU đã ký Hiệp định khung về hợp tác và phát triển năm 1995. Tiếp đó là những kế hoạch, chương trình nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai bên. Năm 2010, VN và EU hoàn thành đàm phán và ký tắt Hiệp định đối tác, hợp tác toàn diện (PCA). Lãnh đạo cấp cao hai bên cũng thể hiện đồng thuận trong việc xem xét nghiên cứu khả năng đàm phán một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa hai bên.
Trong bối cảnh này, việc đàm phán và ký kết một FTA giữa VN và EU được xem là một bước đi nhiều khả năng được hiện thực hóa trong thời gian tới đây.
Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang – Thư ký Ủy ban tư vấn về chính sách thương mại quốc tế (VCCI), nghiên cứu một số FTA mà EU đã ký kết với các nước đang phát triển có điều kiện tương đồng với VN cho thấy các FTA đều có tác động khả quan đến nền kinh tế các nước. Ví như, FTA Mexico – EU có hiệu lực từ năm 2000 đã tác động mạnh mẽ, tích cực đến trao đổi thương mại giữa hai nước này. Thương mại song phương tăng 207% năm 2008 so với năm 1999, trong đó xuất khẩu tăng 228% và nhập khẩu tăng 196%. Lao động, việc làm và chuyển giao công nghệ được cải thiện rõ rệt. Tương tự, trao đổi thương mại giữa Nam Phi và EU cũng tăng mạnh kể từ khi FTA giữa hai nước có hiệu lực năm 2000 với nhập khẩu từ EU vào Nam Phi năm 2008 tăng 160% so với năm 2001 và xuất khẩu tăng 143%.
Đối với VN, nghiên cứu của MUTRAP III về tác động tiềm tàng của FTA Việt Nam – EU đến các khía cạnh khác của nền kinh tế cũng cho kết quả tích cực. Đó là, xuất khẩu của VN sang EU có thể tăng trưởng trung bình 4% hàng năm (6% đối với các mặt hàng mà VN có thể mạnh như dệt may, da giày, đồ gỗ với mức cắt giảm thuế qua có thể đến 0%). Trong khi đó nhập khẩu cũng có thể tăng 3,1% hàng năm do các cam kết mở cửa thị trường trong nước. Đầu tư trực tiếp từ EU sang VN có thể tăng nhờ các cam kết mức độ tự do cao hơn và chất lượng đầu tư sẽ được cải thiện hơn. Các tác động khác như giá cả trong nước và mức lương, việc làm cho người lao động cũng có thể được cải thiện đáng kể… Nghiên cứu tác động dự kiến của FTA đối với nhiều ngành kinh tế cũng cho thấy những con số hết sức khả quan.
Mặc dù vậy, như đã cho thấy trong các FTA đã ký của VN, vẫn có thể có những ngành, những đối tượng chịu tác động bất lợi từ việc mở cửa thị trường theo FTA này…
Tham luận tại hội thảo, GS Claudio Dordi – Chuyên gia MUTRAP III khuyến nghị, VN cần sẵn sàng nhượng bộ một số lĩnh vực để đổi lấy cam kết cắt giảm thuế quan trong lĩnh vực chủ chốt. EU hiện quan tâm đến một số lĩnh vực như: ô tô, điện tử và các sản phẩm công nghệ cao, máy móc, rượu vang và rượu chưng cất, thực phẩm chế biến, pho mát, dược phẩm (thuế quan hiện tại đã ở mức thấp), dịch vụ (tài chính, viễn thông, hàng hải…). Nhìn chung, qua FTA với VN, EU kỳ vọng vào việc đẩy mạnh xuất khẩu vào VN; thúc đẩy đầu tư vào VN hướng mục tiêu tới ASEAN và các quốc gia châu Á khác; tạo thêm cơ hội tiếp cận thị trường tạo cho các nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ của EU; đảm bảo việc tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ; thúc đẩy các mục tiêu chính sách phi kinh tế…
Nhìn chung, buổi hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp, hiệp hội, các đơn vị nghiên cứu và các quan quản lý tìm hiểu, trao đổi thông tin về những cơ hội và thách thức do FTA giữa VN và EU, có thể mang lại, từ đó có sự chuẩn bị tốt hơn cũng như các khuyến nghị thích hợp với Chính phủ VN trong việc quyết định đàm phán cũng như lựa chọn phương án đàm phán thích hợp để FTA VN – EU thực sự mang lại hiệu quả cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế.  

Agroinfo - Theo Báo Hà Nội Mới

Nguồn:http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=448384#


Tin khác