Tấc đất tấc vàng
Nếu như vài năm trở lại đây ai có dịp đi qua xã Phú Lương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, chắc chắn sẽ rất bất ngờ trước những sự đổi thay nhanh chóng của vùng quê thuần nông này. Những ngôi nhà mới mọc lên san sát, các phương tiện xe máy đắt tiền chạy trên đường làng như để điểm tô cho bức tranh trù phú nơi đây.
Theo lời giới thiệu của ông Chủ tịch xã, chúng tôi tìm tới nhà của ông Bùi Viết Thành (thôn Phú Sơn- Phú Lương- Sơn Dương- Tuyên Quang), một trong những hộ gia đình thoát nghèo từ mía và nhờ cây mía mà nuôi được con ăn học đại học. Gia đình ông trồng mía từ năm 2003, nhưng do diện tích đất ít nên mãi đến 2009 mới thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã. “Đúng là “tấc đất tấc vàng” giá như gia đình tôi có thêm diện tích đất thì chắc chắn là đã thoát nghèo từ lâu rồi, và con tôi cũng không phải chậm một năm đại học”, ông chia sẻ trong sự vui mừng và tiếc nuối. Gia đình ông có 2000m2 trước kia trồng sắn, nhưng cái nghèo vẫn đeo đuổi gia đình 5 khẩu ăn nhà ông cho đến khi ông chuyển sang trồng mía. Năm 2009 con gái lớn nhà ông thi đỗ vào đại học ngoại ngữ, gia đình ông vừa vui vừa buồn. Vui vì con mình thi được đỗ đạt, nhưng lại buồn vì học phí trường này quá cao gia đình không nuôi nổi. Vậy là con ông phải tạm gác sách vở chung tay giúp gia đình thoát nghèo trước. Chúng tôi tìm gặp ông đúng lúc gia đình đang thu hoạch mía, mọi người ai cũng vui mừng vì năm nay giá mía cao cuộc sống sẽ khá hơn. Còn với riêng ông Thành còn có một niềm vui lớn khác, niềm vui được thoả ước nguyện “nuôi con biết chữ cho sau này đỡ vất”, con gái ông năm nay thi đỗ và đang theo học đại học Sư phạm.
|
Nếu như gia đình ông Thành thoát nghèo từ mía thì gia đình bà Lương Thị Xuân (đội 8,thôn Cầu Trâm-Phú Lương-Sơn Dương-Tuyên Quang), lại giàu lên từ mía. Gia đình bà là một trong những hộ gia đình trồng mía từ rất sớm(1995) và có diện tích đất trồng mía lớn nhất xã. Trong ngôi nhà khang trang với đầy đủ mọi tiện nghi bà chia sẻ: mọi trang thiết bị trong nhà đều mua sắm từ tiền mía, từ ngày trồng mía cuộc sống gia đình khá giả hơn.
Với diện tích 3,3 ha trồng mía mỗi năm gia đình bà thu hoạch khoảng từ 150 đến 300 tấn mía, trừ mọi chi phí mỗi năm thu nhập cũng trên 50 triệu đồng. Thấy rõ lợi ích từ cây mía, bà đẩy mạnh đầu tư chăm sóc, nâng cao năng suất. Bốn năm trở lại đây năm nào gia đình bà cũng được công ty mía đường thưởng do có sản lượng vượt chỉ tiêu. Mặc dù chưa thu hoạch mía nhưng theo dự kiến của bà năm nay gia đình có thể thu hoạch được 255 tấn mía, trừ mọi chi phí cũng có thể thu về trên 100 triệu đồng. Cũng như nhiều gia đình khác trong xã gia đình bà xác định cây mía là cây chủ lực để phát triển kinh tế và làm giàu. Cũng nhờ cây mía, gia đình bà đã đầu tư được thêm hai xe ôtô Hoa Mai để hỗ trợ cho việc làm giàu.
Trước đây, nông dân làm ruộng vất vả cả năm mà có khi không đủ ăn. Nhưng từ ngày có thêm cây mía thì mọi thứ đã đổi khác. Toàn xã (11 thôn) có 35 chiếc ôtô, hơn 40 chiếc máy làm ruộng, sản xuất nông nghiệp đang được cơ giới hoá, việc áp dụng được khoa học kỹ thuật vào sản xuất làm cho công việc của người dân nhàn hơn rất nhiều”. Một thực tế chứng minh cho sức mạnh của cây mía trên vùng quê này.
Lợi ích từ gốc tới ngọn
Trong cuộc trò chuyện với ông Chủ tịch xã có một chi tiết khiến chúng tôi hết sức bất ngờ, đó là tiền bán lá mía mỗi năm trong toàn xã cũng từ 300 đến 400 triệu đồng, đó là chưa kể số lá mía người dân dùng để chăn nuôi.
Chúng tôi còn đang bán tín bán nghi thì ông Chủ tịch xã giải thích ngay: trước kia xã có làm công tác thu mua lá mía cho các trang trại nuôi bò, số liệu này lấy được từ những người thu mua lá mía.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, khi cây mía có từ 3 đến 4 lá chân là có thể lấy phục vụ cho chăn nuôi gia súc. Khi số lượng lá nhiều hơn, chăn nuôi dư thừa thì có thể để khô làm chất đốt hoặc dải xuống đất vừa giữ ẩm vừa bớt công làm cỏ cho người dân. Đến khi thu hoạch thì cây mía được bán cho nhà máy đường, lá mía tiếp tục được tận thu vừa dùng vừa bán làm thức ăn cho gia súc. Bởi vậy trong những ngày này trên những con đườg làng không chỉ tấp nập xe chở mía về nhà máy, mà còn rộn ràng bởi những xe tải thu mua lá mía
Bà Sầm Thị Thành, một người dân trong xã chia sẻ: ngày xưa khi chưa trồng mía chúng tôi thường phải lên núi lấy lau về cho trâu bò ăn, vất vả lắm nhất lầ vào dịp tết. Giờ thì không cần nữa, trâu bò đã có lá mía, ăn không hết vẫn bán được lấy tiền tăng thêm thu nhập.
Bà còn cho biết thêm: làng tôi năm nay nhà nào trồng cây lâu năm hay ruộng một vụ năng suất thấp đều chuyển sang trồng mía, giá mía tăng cao nên nhà nào cũng muốn mở rộng diện tích.
Cây mía đang lên ngôi
Để có cái nhìn bao quát hơn về cây mía ở Sơn Dương chúng tôi gặp ông Hà Quang Trúc, Phó Chủ tịch huyện Sơn Dương thì được ông cho biết: Cây mía là cây đem lại hiệu quả kinh tế cao, từ khi trồng mía và nhà máy đường đi vào hoạt động đời sống của người dân được nâng lên rất nhiều. Có những hộ diện tích đất trồng mía lớn mỗi năm thu nhập đến vài trăm triệu. Sơn Dương có ba cây công nghiệp chủ lực: cây chè, cây nguyên liệu giấy và cây mía thì cây mía được đánh giá là đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất, cây xoá đói giảm nghèo.
Cũng qua ông Trúc chúng tôi được biết, Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương (Công ty ký hợp đồng thu mua mía trên địa bàn tỉnh) có rất nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư cho nông dân như: hỗ trợ làm đất, phân bón, thuốc trừ sâu, cung cấp mía giống, hỗ trợ làm đường giao thông…Bên cạnh đó để khuyến khích bà con tích cực thâm canh, sản xuất, Công ty còn có các chính sách thưởng: Thưởng tăng năng suất cho các hộ có diện tích mía từ 2ha đạt năng suất cao đối với đất đồi từ 70 tấn, đất bãi ruộng một vụ từ 90 tấn trở lên. Công ty sẽ trích thưởng 20.000đ/ tấn, và được mời đi tham quan nghỉ mát tại các điểm du lịch trong cả nước từ 3 đến 4 ngày…
Sơn Dương là huyện có diện tích đất trồng mía lớn nhất tỉnh với 3.900ha. Dự kiến năm nay huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động bà con phát triển vùng nguyên liệu mía trên 4.150ha, vượt chỉ tiêu của tỉnh đề ra./.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Nguồn:http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30106&cn_id=448777