TRỒNG NẤM GAP
Các địa bàn huyện Long Khánh, Xuân Lộc, Trảng Bom và Nhơn Trạch (Đồng Nai) là những vùng trồng nấm tập trung và từ lâu nghề nấm đã phát triển nổi tiếng. Có đến gần chục loại nấm được trồng ở các địa phương này nhưng nhiều nhất vẫn là nấm mèo, bào ngư trắng, xám, bào ngư Nhật và nấm rơm… Thời điểm này đang vào chính vụ thu hoạch của nhiều loại nấm nhưng giá nấm vẫn tăng, đặc biệt với sản phẩm nấm bào ngư tăng cao hơn so với giữa năm ngoái khoảng 5.000- 8.000 đ/kg do vậy giúp nhiều nông dân trồng nấm ở đây được tăng thêm lợi nhuận.
|
Trang trại nấm của anh Hùng |
Có mặt tại khu trại nấm của anh Nguyễn Phi Hùng, số 97, tổ 11, KP4, phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa, chúng tôi chứng kiến 4 trại nấm của anh vừa ra Tết đã chuẩn bị bước vào đợt thu hoạch mới. Đó là hàng ngàn bịch nấm sò, bào ngư được treo dày đặc trong các giàn trại, những tai nấm to mọc tua tủa xung quanh bịch. Anh Hùng phấn khởi tâm sự: “Lứa này chủ yếu mình tập trung vào hai loại nấm sò và bào ngư, nhưng cũng dành riêng một trại để trồng thử nấm mèo trái vụ. Khoảng hơn tuần nữa sẽ cho thu hoạch, hy vọng đợt nấm trái vụ đầu năm sẽ trúng giá cao”.
Theo nhận định của anh Hùng, thời điểm này đang là chính vụ của nấm sò và bào ngư nhưng giá nấm vẫn không rớt, thậm chí còn tăng vì thị trường sau Tết đang hút mạnh. Sản xuất nấm không khó nhưng để tìm được thị trường đầu vào đầu ra cho sản phẩm cần phải giữ uy tín với các mối hàng và “đón gió” được đúng lúc thị trường đang cần hàng gì mới hốt bạc!
Vốn có thế mạnh được đào tạo trong ngành Công nghệ sinh học ra, kết hợp với thâm niên đi làm công cho nhiều chủ trại nấm lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai khiến anh càng có thêm kinh nghiệm thực tế để bước vào “nghiệp nấm”. Cũng như câu chuyện của bao người khi bước vào nghiệp làm ăn “vạn sự khởi đầu nan”, sản phẩm nấm của anh Hùng khởi đầu cũng khá trầy trật. Đầu tư dựng lán trại sản xuất nấm hết cả gần trăm triệu nhưng đợt đầu tiên thu hoạch cả mấy trăm ký nấm mèo, bào ngư anh đem ra chợ chào hàng mà chẳng ai mua vì họ thấy nấm to lạ quá.
Dù vậy, anh vẫn kiên trì tìm người quen ký gửi từng kg nấm để hy vọng khách hàng sẽ biết đến chất lượng sản phẩm nấm GAP của mình. Đồng thời anh về tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thêm quy trình sản xuất để cho ra sản phẩm nấm có chất lượng và mẫu mã đều đẹp hơn.
DÙNG MÙN TẠP HẠ GIÁ THÀNH
Theo nhiều hộ trồng nấm trên địa bàn Đồng Nai, ra Tết giá nguyên liệu đầu vào như mùn cưa, bịch ny-lông, công thợ... đồng loạt tăng vọt khiến chi phí sản xuất bị đội lên. Do vậy, buộc các chủ trại nấm phải “chữa cháy” bằng nhiều hình thức để mong hạ giá thành sản xuất.
Anh Hùng cho hay, nguyên liệu chính để trồng nấm mèo là mùn cưa cao su nhưng thời gian qua do mủ cao su được giá nên người trồng cao su đã hạn chế chặt cao su khiến nguồn nguyên liệu càng hiếm. Thực tế giá mùn cưa cao su từ 3 triệu đồng/xe (10 tấn), tăng lên 8 triệu đồng/xe; công thợ cũng tăng thêm từ 40.000 - 50.000 đ/ngày, khiến chi phí đầu vào bị đội lên khá cao, lợi nhuận của người trồng nấm bị giảm đáng kể.
Do vậy, vụ nấm này anh Hùng đã tính toán và mạnh dạn chuyển sang dùng thử mùn tạp để sản xuất nấm, giá thành chỉ khoảng 2 triệu đồng/xe (10 tấn). Anh Hùng hào hứng kể: “Từ trước đến nay chưa thấy ai dám dùng mùn tạp thay cho mùn cao su “truyền thống” để đóng bịch sản xuất nấm mèo như trại của tôi. Dù biết là rất mạo hiểm như chơi một canh bạc với vụ nấm mới, nhưng rất may những tính toán của mình đã chuẩn”.
Đến thời điểm này các trại nấm sò, bào ngư và nấm mèo của anh đang phát triển rất tốt trên những bịch mùn tạp và chỉ ít ngày nữa sẽ cho thu hoạch. Như vậy, riêng chỉ tính giá thành của loại mùn tạp thay thế chỉ bằng ¼ giá thành mùn cao su đã là khâu đột phá và thắng lớn với anh trong vụ nấm này. Chưa kể, sau Tết giá nấm ngoài thị trường vẫn đang ở mức cao, đặc biệt với những sản phẩm nấm GAP (nấm sạch) của trại anh Hùng đã được các mối thương lái ký hợp đồng đặt hàng ngay từ trong Tết.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại nấm được trồng theo phương pháp cấy meo, thuộc giống “nắng không ưa-mưa không chịu”, cần phải đủ độ ẩm, thoáng gió, ánh sáng vừa phải, nhất là phải làm vệ sinh thật sạch. Theo kinh nghiệm của anh Hùng, nếu không giữ được sạch thì nấm sẽ không ra. Còn khi thu hoạch nấm, phải chú ý bẻ luôn cả các mầm nấm nhỏ còn sót lại vì nếu một chân nấm bị hư sẽ làm thối cả bịch. Thậm chí còn đầu tư lắp đặt cả màng lưới bên dưới mỗi giàn nấm để hứng chất dơ khi hái nấm.
Theo anh Hùng, thực hiện mô hình nấm theo quy trình GAP không khó nhưng đòi hỏi người sản xuất phải kiên trì, tỉ mỉ ghi chép lại tất cả các khâu, kể cả diễn biến thời tiết khí hậu trong ngày. Đặc biệt trồng nấm không được dùng thuốc hoặc bất cứ hoá chất nào.
Trao đổi với PV NNVN, anh Hùng cho biết những dự định trong năm nay sẽ cho mở rộng quy mô trại và tăng thêm nhiều chủng loại nấm sản xuất theo quy trình GAP để cung cấp cho thị trường những sản phẩm nấm sạch. Đồng thời sẽ tăng cường sản xuất cung cấp tai nấm cho các hộ dân có nhu cầu làm meo nấm.
Theo Báo NNVN