Vĩnh Long: Khoai lang vươn ra nước ngoài

25/08/2010

AGROINFO - Huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long có vùng chuyên canh khoai lang với diện tích lớn và chất lượng nổi tiếng nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Sản phẩm hàng hóa khoai lang mấy chục năm trước được người dân chợ cầu Ông Lãnh, Sài Gòn; chơ Mỹ Tho; chợ Cần Thơ... quen gọi là khoai lang Mười Thới giờ đây đã vươn xa, tiêu thụ khắp các thị trường trong nước, xuất khẩu ra nước ngoài.

 
       Cánh đồng khoai lang Bình Tân

Giàu lên từ nghề trồng khoai lang

Thạc sĩ Võ Văn Theo, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Tân cho biết, riêng vụ khoai năm 2010, nông dân huyện này đã xuống giống và thu hoạch gần 5000ha; chẳng những tập trung trồng ở khu vực truyền thống dọc 2 bên con kinh Mười Thới mà còn mở rộng diện tích ra các xã Thành Đông, Tân Thành, Thành Trung, Tân Hưng, Tân Bình, Thành Lợi,...Đây là loại cây trồng hiệu quả nhất trong số các loại cây hoa màu trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phá thế độc canh cây lúa ở huyện Bình Tân.

Ngày xưa, khi khai hoang mở đất, người dân xứ này phát hiện thổ nhưỡng vùng này thuộc loại đất gan rùa, cát pha sét và nhiều phù sa, thích hợp với các loại khoai bí đường, bí đỏ nên đã tập trung phát triển, trồng luân canh với cây lúa mùa, vừa tăng thu nhập vừa bồi bổ dinh dưỡng cho đất. Thế là cây khoai lang Mười Thới nhanh chóng trở thành thương hiệu nổi tiếng, chiếm cảm tình tuyệt đối trong lòng người tiêu thụ cả vùng. Ngày nay, vượt lên trên cả truyền thống cha ông, người dân Bình Tân phát triển thêm diện tích, kỹ thuật canh tác và phát triển thêm các giống khác như khoai lang tím Nhật, khoai lang trắng sữa, khoai vỏ tím ruột vàng... được thị trường trong nước và cả nước ngoài ưa chuộng.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Bình Tân, với kỹ thuật canh tác như hiện nay, thời gian lưu vụ khoảng 120 – 150 ngày thì năng suất bình quân khoảng 50 – 60 tạ/công (1 tạ = 60kg), tức khoảng 30 – 36 tấn/ha. Điều đáng mừng là khoảng vài năm trở lại đây khoai lang được tiêu thụ mạnh và luôn đứng ở mức cao. Theo bà con nông dân, bình quân trong 6 tháng đầu năm các loại khoai có giá trên 400.000 đồng/tạ (trên 6000 đồng/kg) đối với khoai tím Nhật; gần 200.000 đồng/tạ đối với khoai trắng sữa (3000 đ/kg). Có thời điểm giá lên đến 9.000 đ/kg đối với khoai tím Nhật. Ngay trong thời điểm thu hoạch rộ, mưa nhiều như hiện nay, giá khoai cũng chỉ giảm khoảng 30%. Cũng theo tính toán của Phòng NN&PTNT huyện Bình Tân, chi phí sản xuất 1 ha khoai lang khoảng 50 – 60 triệu đồng/ha, tuỳ theo giống. Với giá bán như trên thì mỗi hecta đất trồng khoai lang, nông dân còn lãi không dưới 100 triệu đồng/ha.

Như vậy, với 5000 ha đất trồng khoai, hàng năm cho tổng giá trị trên 1000 tỷ đồng, chiếm khoảng 2/3 giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện. Thạc sĩ Nguyễn Văn Thanh – Bí thư Huyện uỷ Bình Tân khẳng định: Khoai lang là cây trồng chủ lực trong cơ cấu nông nghiệp của huyện. Trong thời gian tới, cùng với công tác quy hoạch thì công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu khoai lang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện Bình Tân.

 
 Đóng gói xuất khẩu khoai lang ra nước ngoài

Vươn ra thị trường ngoài nước

Để trở thành vùng khoai lang nổi tiếng của vùng, trong những năm qua, bà con nông dân Bình Tân đã có bước tiến dài trong việc chuyển giao và áp dụng những kỹ thuật canh tác mới. Cơ giới hoá các khâu làm đất, tưới tiêu, phun xịt, bón phân, chăm sóc đã từng bước thay thế cho việc sử dụng lao động thủ công. Chỉ riêng khâu tự tổ chức sản xuất, cung cấp giống ở tại địa phương, mỗi năm bà con nông dân đã thu lợi nhuận tăng thêm khoảng 10 tỷ đồng. Điều thú vị là từ hiệu quả của nghề trồng khoai lang, hiện nay ở huyện Bình Tân đã hình thành nhiều tổ chức dịch vụ hoạt động khá hiệu quả. Trong đó, ở các xã trồng khoai lang trọng điểm của huyện đã hình thành các tổ, nhóm chuyên cung cấp lao động, dịch vụ trồng và thu họach khoai lang, thu hút hàng trăm lao động tham gia, vừa giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho người lao động vừa giúp người trồng khoai giải quyết nỗi lo thiếu nhân công mùa vụ. Bên cạnh đó, từng bước hình thành các hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ khoai lang như Hợp tác xã Tân Thành; Hợp tác xã Tân Bình; Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Thành Lợi,...Các hợp tác xã này đã góp phần ổn định thị trường tiêu thụ khoai lang; cung ứng hàng hoá xuất khẩu tăng mạnh sang các thị trường lớn như: Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan,…thông qua các công ty trung gian như Công ty Thực phẩm rau quả Bình Thuận, Công ty TNHH Vĩnh Hưng (cơ sở chế biến đặt tại khu công nghiệp Hòa Phú), Công ty Rau quả Tiền Giang...

Đặc biệt, khoảng 3 năm trở lại đây, bên cạnh mạng lưới thương lái chuyên cung cấp hàng hoá cho các chợ đầu mối trong nước, cho thị trường Campuchia, đã xuất hiện nhiều thương lái chuyên đóng hàng container, trữ lạnh, vận chuyển tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây là kênh tiêu thụ, phân phối quan trọng giúp cho thị trường khoai lang Bình Tân ổn định ở mức cao. Chị Liu Xiang Xing (Liễu Đường Anh - dịch theo lời chị Xing), người Quảng Tây, Trung Quốc, có thâm niên 3 năm đóng chốt, lập cơ sở ở Bình Minh (giáp ranh Bình Tân) cho biết mỗi ngày cơ sở của chị thu mua khoảng 150 – 200 tấn khoai lang Bình Tân. Hàng sau khi thu mua sẽ được phân loại ngay, rồi đóng gói (mỗi thùng giấy chứa 20kg), chuyễn lên xe lạnh (container); vận chuyển sang của khẩu Việt Nam – Trung Quốc. Tại đây, người nhà của chị Xing làm thủ tục chuyển về công ty đặt tại Quảng Tây và được tiếp tục phân loại, đóng gói, dán nhãn mác, chuyển sâu về Hồng Kông, Thượng Hải, Bắc Kinh và cả Hàn Quốc, Nhật Bản. Theo tiết lộ của chị Xing, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận tăng thêm khoảng 20 – 25%. Trên địa bàn huyện Bình Minh và Bình Tân hiện có khoảng chục cơ sở thu mua của thương lái nước ngoài với mạng lưới chân rết thu mua mỗi cơ sở hàng chục người. Bên cạnh đó, mỗi cơ sở thu hút khoảng 50 – 60 người lao động với thu nhập khoảng 50 – 70.000 đồng/người/ngày.

Ghi nhận được từ vùng chuyên canh khoai Bình Tân, đó là hiệu quả của việc trồng cây khoai lang đã giúp cho hàng ngàn nông dân vươn lên khá giàu. Trong hàng ngàn nông dân đó có không ít người là cán bộ cơ sở, cán bộ huyện có xuất thân là nông dân. Trong các nghị quyết, văn bản chỉ đạo và cả trong nghị trường đại hội đảng các cấp, cây khoai lang luôn được bàn thảo để làm sao cho cây khoai lang ngày càng phát triển bền vững hơn. Có người nói vui: “nếu ai cũng đồng lòng thì vài năm nữa dân Bình Tân chỉ đi gửi tiền chứ thôi vay tiền”. Đây cũng là mong muốn của mọi người dân Bình Tân; mà ý Đảng hợp lòng dân thì chắc chắn sẽ thành hiện thực.


Phạm Khánh (Theo Báo ĐT ĐCSVN)

Tin khác