Hà Nội: Xử lý 254 vụ vi phạm Luật Đê điều

25/08/2010

AGROINFO - Theo báo của UBND TP Hà Nội, tính đến tháng 7/2010 (sau 3 năm thực hiện Luật Đê điều), trên địa bàn TP đã xảy ra 1.064 vụ vi phạm (năm 2008: 272 vụ, năm 2009: 440 vụ và 7 tháng đầu năm 2010: 352 vụ). Tuy nhiên, TP mới chỉ xử lý được 254 vụ vi phạm.

 
Trong 3 năm trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra 1.064 vụ vi phạm Luật Đề điều - Ảnh minh họa

Nguyên nhân chủ yếu là do các quận, huyện và các ngành chức năng chưa thực sự vào cuộc, thiếu sâu sát, quyết liệt trong xử lý; còn tình trạng đẩy đưa né tránh trách nhiệm trong kiểm tra xử lý. Chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và chính quyền các cấp dẫn đến tình trạng xử lý còn nhiều hạn chế, kết quả thấp, tính răn đe giáo dục không cao.

UBND TP cho biết, hiện nay tình hình vi phạm Luật Đê điều vẫn đang diễn ra phức tạp, các vi phạm tập trung chủ yếu trên các tuyến đê tả Đáy, tả - hữu Hồng, hữu Đuống. Hình thức vi phạm chủ yếu là xây dựng nhà, công trình kiên cố; xây dựng cải tạo nhà; xây dựng nhà cấp 4, công trình phụ; lều quán, chợ tạm, để vật liệu, chất thải trong phạm vi bảo vệ đê…

 

Để bảo vệ đê điều, phòng chống lụt bão, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận, huyện phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ các xã, phường và người dân sống ven đê; triển khai cắm mốc chỉ giới bảo vệ đê điều, chỉ giới thoát lũ làm cơ sở cho công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm.

Ngoài ra, phải tiếp tục đầu tư nâng cấp, tu bổ công trình đê điều; xây dựng đường hành lang chân đê, dốc lên đê nhằm đảm bảo an toàn công trình đê điều, hạn chế lấn chiếm.

Khẩn cấp chống sạt lở bờ tả sông Hồng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng cho biết, diễn biến sạt lở khu vực bờ tả sông Hồng từ K64+500 - K67+300 thuộc các phường Ngọc Thụy, Ngọc Lâm và Bồ Đề (Long Biên) xảy ra thường xuyên và phức tạp. Vào tháng 10/2006, tại khu vực tổ 2, Yên Tân, phường Ngọc Thụy đã bị sạt lở kéo dài 250m, ăn sâu vào bờ 5-20m, độ chênh cao 3-4,5m lở đứng thành. Tháng 8/2007, cũng tại khu vực này tiếp tục xảy ra sạt lở 145m gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều hộ dân...

Nguy hiểm hơn, tại phường Ngọc Lâm vào cuối tháng 5/2010 xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại K66+500 - K67+700 làm nhiều công trình xây dựng của dân bị nghiêng đổ, nứt nhà... ảnh hưởng đến đời sống của một số hộ dân thuộc liên gia 3, tổ 27, phường Ngọc Lâm.

Trước tình hình này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất UBND TP cho phép ưu tiên xử lý khẩn cấp hộ chân, chống sạt lở bờ tả sông Hồng thuộc quận Long Biên.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đan Phượng cho biết thêm, đê sông Hồng qua địa phận huyện Đan Phượng đang xuất hiện 14 hố sụt, sập tổ mối trên tuyến đê Vân Cốc từ K8+950 - K14+650 phía thượng lưu ở cao trình +13 đến cao trình +15. Hệ thống sông Hồng nhiều năm không phải chống lũ lớn, đê khô nên tiềm ẩn nhiều ẩn họa khó lường.


Phạm Khánh (Theo Chinhphu.Vn)

Tin khác