Bắc Giang: Thực trạng và giải pháp vực dậy làng nghề

24/02/2011

(ĐCSVN) - Bắc Giang là tỉnh miền núi có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng từ lâu đời. Trải qua nhiều thăng trầm, các làng nghề này đang cần được vực dậy, phát huy, góp phần thúc đẩy công cuộc xây dựng, phát triển nông thôn mới.

Qua khảo sát, tổng hợp bước đầu, tỉnh Bắc Giang có 14 làng nghề truyền thống và 19 làng nghề đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận. Trong đó 8/14 làng nghề có truyền thống lâu đời như: làng nghề nuôi tằm, ươm tơ ở xã Mai Đình, huyện Hiệp Hoà có cách đây 811 năm; nghề nấu rượu ở xã Vân Hà, huyện Việt Yên có cách đây hơn 600 năm; nghề mây tre đan ở xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên có cách đây hơn 360 năm... Nhiều làng nghề truyền thống có 70% số hộ trở lên ở trong làng làm nghề như: làng Chầm, xã Tăng Tiến có đến 99,1% số hộ làm nghề may tre đan; làng Thủ Dương, xã An Dương, huyện Lục Ngạn có tới 87% số hộ làm mỳ...
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
 
Về cơ cấu ngành nghề có 5 làng làm nghề mây tre đan, dây thừng; 5 làng làm nghề thủ công dân dụng như mộc, dệt, gốm, giấy, tơ tằm; 4 làng nghề làm chế biến thủ công nấu rượu, bún, bánh đa, mỳ gạo. 5/14 làng nghề truyền thống có mức thu nhập bình quân từ 20-30 triệu đồng/lao động/năm, như các làng Khe Nghè ở Lục Ngạn chuyên dệt vải thổ cẩm; làng Đa Mai, Kỳ Sau ở thành phố Bắc Giang làm bún, bánh đa; làng Đông Thượng ở Yên Dũng làm mộc; làng Trung Hưng ở Hiệp Hoà làm dây thừng. Nhìn chung các làng nghề truyền thống đều đã duy trì được nghề sản xuất mặc dù trải qua nhiều năm tháng thăng trầm. Trong thay đổi các cơ chế sản xuất các làng nghề vẫn luôn tận dụng được lực lượng lao động, thời gian lao động nhàn rỗi ở nông thôn; truyền thống, đặc trưng, bản sắc các sản phẩm được giữ gìn và ngày càng phát triển trong cơ chế mới, đóng góp tích cực đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân ở địa phương và xã hội. Một số sản phẩm của các làng nghề vẫn giữ được sự ưa chuộng của người tiêu dùng như: mây tre đan Tăng Tiến, bánh đa Kế, Mỳ Chũ... Một số làng nghề đã đổi mới cách làm, từng bước phát triển, thích nghi được trong cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng của các làng nghề vẫn còn nhiều trăn trở: số làng nghề và làng nghề truyền thống nhìn chung chưa tương xứng với truyền thống phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương; làng nghề truyền thống chỉ chiếm một số rất nhỏ trong tổng số các thôn, làng trong tỉnh; cơ cấu các lĩnh vực sản xuất của các làng nghề đơn điệu, phân tán nhỏ lẻ. Do đơn điệu nghề, đơn điệu làng nghề đã khó khăn trong việc liên kết giữa các làng nghề sản xuất cùng loại sản phẩm ở địa phương. Quy mô số hộ sản xuất sản phẩm truyền thống của làng nghề rất thấp: làng Đa Mai làm nghề bún nổi tiếng hàng trăm năm nay nhưng chỉ có 5,5% số hộ làm nghề; làng Sau, xã Dĩnh Kế làm bánh đa Kế cũng nổi tiếng nhưng chỉ có 17,2% số hộ làm nghề; làng Trại Cao, xã Lục Sơn, huyện Lục Ngạn có 30% số hộ làm nghề. Sức cạnh tranh của sản phẩm làng nghề không mạnh. Thu nhập bình quân một lao động trong một năm ở một số làng nghề còn quá thấp: làng Mai Thượng (Hiệp Hoà) 4 triệu đồng/lao động/năm; làng Trại Cao 5,5 triệu đồng/lao động/năm; làng Phúc Long (Việt Yên) cả làng có tới 81% số hộ làm nghề mây tre đan nhưng thu nhập cũng chỉ được 7 triệu đồng/1 lao động/năm. Tính ra mỗi tháng chăm chỉ làm nghề truyền thống mỗi lao động ở các làng nêu trên cũng chỉ thu nhập được hơn 350 nghìn đến 600 nghìn đồng/tháng. Mức thu nhập này của mỗi lao động nếu tính theo ngày công làm nghề thì quá thấp, không khuyến khích được người dân làm nghề truyền thống và phát triển nghề truyền thống.
Thực trạng của các làng nghề cần thiết phải có một loạt các giải pháp để khôi phục, duy trì, vực dậy để thúc đẩy các làng nghề phát triển đi lên trong thời kỳ mới; cần coi trọng các giải pháp tăng cường đầu tư về vốn, kỹ thuật, thị trường, đặc trưng sản phẩm, thương hiệu làng nghề, phát huy vai trò các nghệ nhân và hiệp hội làng nghề. Trước hết cần tăng lượng vốn để nâng cao năng lực hoạt động sản xuất của các làng nghề. Trên thực tế vốn của các làng nghề còn quá nhỏ bé, phần lớn các hộ sản xuất trong các làng nghề đầu tư cho việc duy trì sản xuất bằng khoản tiền tự có do tích luỹ được. Việc tiếp cận vay vốn ở ngân hàng chưa được nhiều. Vừa qua ở các địa phương đều có quỹ khuyến công, khuyến nông, nhưng các quỹ này hỗ trợ cho các làng nghề còn ít.
Trên thực tế có những làng nghề cần những bàn tay của các nghệ nhân, người lao động có nghề trực tiếp tạo ra sản phẩm, nhưng cũng có những nghề cần có công cụ, thiết bị, máy móc kỹ thuật hiện đại. Được đầu tư và áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất sẽ nâng cao được số lượng, chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất của các làng nghề. Chính quyền và các ngành chức năng cần tăng cường thông tin thị trường để giúp các làng nghề nắm bắt nhanh tình hình và nhu cầu xã hội, mở rộng thị trường tiêu thụ nhiều sản phẩm, ổn định và phát triển sản xuất; nghiên cứu để giữ vững đặc trưng riêng đã có của sản phẩm hàng hoá, tạo ra đặc trưng của sản phẩm làng nghề; xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu làng nghề.
Điều quan trọng nữa là cần có những chính sách cho việc quy tụ, tập hợp phát huy khả năng của các nghệ nhân các làng nghề, xem đây là lực lượng lao động quí hiếm cần được chăm sóc, bảo vệ để bảo tồn, gìn giữ, phát huy nghề truyền thống. Các ngành chức năng cần quan tâm đến việc học nghề, truyền nghề; mở rộng, lan toả phát triển ngành nghề truyền thống, thành lập các hiệp hội nghề trong các lĩnh vực, hiệp hội làng nghề các cấp ở địa phương. Hiệp hội làng nghề sẽ là nơi quy tụ, trao đổi kinh nghiệm hoạt động sản xuất, tư vấn giúp nhau giữa các làng nghề, củng cố vị thế đã có, vươn lên phát triển xứng tầm trong thời kỳ mới./.

 

Theo Báo Đảng Cộng sản Việt Nam

 


Tin khác