Giảm thiểu tác hại của “bão” giá: Khẩn thiết trợ giá cho người nghèo

07/03/2011

Đó là ý kiến chung của các chuyên gia về giải pháp chống lạm phát trong năm nay, trước tác động của hàng loạt yếu tố đến người nghèo, người nông dân - những người chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Ông Đỗ Gia Phan - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng VN: Giúp người nghèo tăng thu nhập
Hiện nay, giá cả đã và đang tạo nên một mặt bằng mới, cao hơn mức sống của người nghèo, nông dân rất nhiều, thậm chí không phải là gấp đôi mà đã gấp 4-5 lần. Giá điện tăng vừa qua, dù người nghèo được hỗ trợ, song theo tôi đây cũng chưa phải là mức hỗ trợ nhiều.
Xăng dầu và nhiều mặt hàng thiết yếu với đời sống người dân cũng đã tăng lên mà không có sự hỗ trợ nào cho người nghèo, nông dân cả. Do vậy, để giảm thiểu những tác động xấu của lạm phát đến người nghèo, nông dân, Chính phủ cần có một chính sách để nâng cao thu nhập cho họ.
Ví dụ với những người hưởng lương, hưởng chế độ chính sách, người về hưu cũng phải được nâng lương. Hai là người nông dân bán sản phẩm cũng phải được hỗ trợ để bán được sản phẩm với giá tương xứng. Nhà nước cần có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân trong khâu trung gian mua bán, bảo quản, tiếp thị sản phẩm. Với giá đầu vào tăng như hiện nay, nếu không được hỗ trợ, nông dân khó có thể vượt qua khó khăn.
Cuối cùng, Chính phủ cũng có thể có các chính sách hỗ trợ thông qua doanh nghiệp để nâng lương, thu nhập cho những công nhân nghèo, cho người nông dân làm trong các nhà máy, xí nghiệp... bởi chỉ có nâng cao thu nhập thì người nghèo mới bớt khó khăn.
TS Nguyễn Minh Phong - Viện Kinh tế xã hội Hà Nội: Cần các giải pháp căn cơ
Trái ngược với mọi năm, năm nay sau Tết, giá cả, lạm phát lại leo thang, thậm chí còn mạnh hơn cả trước Tết Nguyên đán. Người dân có thu nhập khá đã khó khăn thì với nông dân, người nghèo sẽ còn khó khăn gấp bội.
Để hạn chế tác động xấu từ việc tăng giá các mặt hàng vừa qua, tôi cho rằng, Chính phủ cần phải có các giải pháp căn cơ hơn để bảo vệ người nghèo, người có thu nhập thấp. Tăng giá các mặt hàng cần phải đi kèm với việc đảm bảo các chính sách an sinh xã hội. Mức hỗ trợ của Chính phủ phải cụ thể và được thực thi hiệu quả.
Tôi cũng kiến nghị Chính phủ nên đảm bảo nhiều hơn sự liên thông của thị trường trong và ngoài nước khi mặt bằng giá mới đã và đang hình thành hiện nay. Ví dụ chúng ta không nên "ngăn chặn" thị trường vàng. Khi tăng tỷ giá chúng ta nên "mở cửa" cho thị trường nhập vàng thì sẽ không khiến giá vàng tăng vọt như hiện nay.
Hai là chúng ta cần có chính sách tăng cạnh tranh, mở cửa thị trường tự do hơn nữa. Ví dụ chúng ta có thể mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài cùng nhập khẩu xăng dầu. Hay điện cũng vậy, cần tiến tới thị trường cạnh tranh...
Chúng ta tăng giá các mặt hàng này mà vẫn để nó độc quyền thì việc tăng giá sẽ chỉ là tăng giá mà thôi và không thể giải quyết được các khó khăn và hệ lụy của nó đối với nền kinh tế và đời sống của người dân.
Ông Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế - giá cả: Phân biệt rõ đối tượng hưởng thụ
Giải pháp căn cơ nhất để hỗ trợ người nghèo, nông dân chính là Chính phủ cần phải kiểm soát được lạm phát, đưa giá cả giảm xuống bằng mọi giá trước đã. Bởi lạm phát đang là "cái thuế tàn nhẫn" đánh vào mọi người, đặc biệt là người nghèo. Tốt nhất là Chính phủ sớm cân đối được nền kinh tế vĩ mô; giảm bớt lạm phát bắt nguồn từ các yếu tố tăng giá các mặt hàng vừa qua.
Lạm phát, giá cả đã leo thang thì giải pháp để hỗ trợ người nghèo tốt hơn cả chỉ có thể là Chính phủ cần có chính sách trợ giá cho người nghèo, nông dân nghèo, mặc dù thực thi điều này không dễ.
Giá điện đã có chính sách hỗ trợ người nghèo song cần có sự phân biệt đối tượng để người nghèo thực sự được thụ hưởng chính sách này của Chính phủ, tránh bao cấp cho cả những người không nghèo. Hay Chính phủ có thể hỗ trợ ngư dân tiền xăng dầu. Hoặc trong sản xuất nông nghiệp, ngành nào Chính phủ khuyến khích thì cũng cần có các chính sách hỗ trợ các sản phẩm là đầu vào của ngành đó thật cụ thể. Chúng ta không thể có đủ tiền để hỗ trợ, trợ giá tất cả.
Do vậy, chính sách trợ giá của Chính phủ cần được phân cấp, nghiên cứu đối tượng hỗ trợ cụ thể. Đối tượng nào được hỗ trợ, ngành nào cần khuyến khích phải được làm một cách tỉ mỉ thì người nghèo mới thực sự được bao cấp bởi các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.
Ông Cù Chí Lợi - nguyên Viện phó Viện Kinh tế T.Ư: Hỗ trợ trực tiếp tới người dân
Năm nay, giá sẽ không còn dịu như những năm trước mà căng hơn, phức tạp hơn vì đối diện với hàng loạt bất ổn “tỷ giá, khan cung”. Vấn đề cấp thiết hiện nay là Nhà nước cần có biện pháp để an dân. Đó là một chương trình hỗ trợ cho người nghèo.
Hiện nay, người dân thu nhập trung bình đã phải lay lắt vì giá, muốn người nghèo sống được, Chính phủ sẽ phải đưa ra những chiến lược, chính sách cụ thể nhưng chính sách nào cũng phải hỗ trợ một cách trực tiếp tới người dân nghèo.
Chính phủ phát đi thông điệp kiên quyết chống lạm phát nhưng phải kèm với những hoạt động cụ thể. Người dân nghèo, thậm chí người có thu nhập trung bình cần phải được ưu tiên, chỉ hỗ trợ giá điện thì chưa đủ.
Tập trung sức cao nhất kiềm chế lạm phát
Tại Nghị quyết 13 ban hành ngày 4.3, Chính phủ nêu rõ: Hiện kinh tế trong nước đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn: Giá dầu thô, giá một số nguyên vật liệu cơ bản, giá lương thực, thực phẩm trên thế giới tiếp tục xu hướng tăng mạnh... Để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phươngkhẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, triển khai thực hiện có hiệu quả 2 Nghị quyết số 02 và 11/NQ-CP, tập trung sức cao nhất vào việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
 
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay
 

Tin khác