Đưa nông dân đến tận trường nghề

07/03/2011

Để đảm bảo nguồn nhân lực cho các nhà máy, khu công nghiệp, thay vì đào tạo ngắn hạn tại địa phương, Sở LĐTBXH Lào Cai đã mạnh dạn xin chỉ tiêu, hỗ trợ thêm kinh phí đưa nông dân đi học nghề ở trình độ trung cấp.

10 năm trở lại đây, nền kinh tế của Lào Cai đã có nhiều sự thay đổi tích cực. Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nhà máy trên địa bàn tỉnh đã tạo đà cho nền kinh tế Lào Cai có những bước chuyển mình đáng kể. Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Việc dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho lao động mất đất là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Tạo liên kết giữa 4 nhà
Theo ông Ngô Đức Hoàng - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐTBXH tỉnh Lào Cai: "Dạy nghề cho lao động theo nhu cầu của các doanh nghiệp, các nhà máy đã khó, việc dạy nghề cho lao động làm việc tại các công ty liên doanh với nước ngoài còn khó hơn gấp bội".
Cũng theo ông Hoàng, hiện nay nhiều công ty có vốn đầu tư của nước ngoài có những yêu cầu về tuyển dụng lao động rất cao. Chỉ những lao động có trình độ từ trung cấp trở lên doanh nghiệp mới tuyển dụng.
"Để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, Sở LĐTBXH Lào Cai đã liên hệ với nhiều trường trung cấp để xin chỉ tiêu đào tạo ở chính các trường đó cho đối tượng là lao động nông thôn được hưởng hỗ trợ theo Quyết định 1956/QĐ-TTg. Người học ngoài việc được hưởng tiền hỗ trợ học theo hệ sơ cấp nghề còn được hỗ trợ về kinh phí đi lại, ăn ở từ các trường nơi mình đang theo học"- ông Hoàng cho hay.
Để tránh tình trạng "đem con bỏ chợ", tỉnh Lào Cai đã xây dựng mối liên kết giữa 4 bên (Sở LĐTBXH - doanh nghiệp - người lao động - trường đào tạo) để đảm bảo người lao động sau khi học nghề có được việc làm. "Khi đã ký vào bản cam kết 4 bên thì mỗi bên sẽ phải chịu trách nhiệm với những gì mình có liên quan trong suốt quá trình học nghề đến khi có việc làm. Nếu bên nào không thực hiện đúng như nội dung bản cam kết bên đó sẽ bị xử phạt theo đúng quy định"- ông Hoàng nhấn mạnh.
Thu nhập cao và ổn định
Thực tế, rất nhiều nông dân ở Lào Cai đã nhanh chóng trở thành công nhân bậc cao nhờ được học nghề dài hạn. Anh Hoàng Văn Nga, 32 tuổi (quê huyện Văn Bàn), hiện là nhân viên kỹ thuật của Công ty Luyện đồng Lào Cai phấn khởi nói: "Trước kia, tôi làm nghề nông nhưng đất ngày một thu hẹp nên cuộc sống rất khó khăn.
Khi được vận động đi học nghề, tôi nghĩ đi học ngắn hạn cũng chẳng giải quyết được gì. Tuy nhiên, sau đó tôi được xét đi học nghề hệ trung cấp và được nhận vào làm việc tại Nhà máy Luyện đồng Lào Cai.
Từ khi vào làm tại công ty, tôi và gia đình đã có cuộc sống ổn định hơn". Với mức lương 5,5 triệu đồng/ tháng, anh Nga dư dả để nuôi con cái ăn học và mua sắm đồ đạc trong nhà đầy đủ.
Cùng làm việc với anh Nga tại Phòng Điều khiển trung tâm lò SKS, anh Nguyễn Văn Tuân, 27 tuổi (huyện Bảo Thắng) tâm sự: "Trước kia nhà mình nghèo lắm, ăn cái gì, làm cái gì cũng phải suy nghĩ, tính toán rất nhiều. Sau khi học nghề ở Trường Cao đẳng Luyện kim Thái Nguyên và được tuyển vào làm việc ở đây, đời sống gia đình mình đã có nhiều thay đổi. Thay vì phải chạy ăn từng bữa, giờ gia đình đã có điều kiện sửa sang nhà cửa, mua sắm đồ đạc và ăn uống đầy đủ hơn”.
Ông Trịnh Văn Tuệ - Giám đốc Nhà máy Luyện đồng Lào Cai cho biết: "Năm 2007, chúng tôi đã tiếp nhận 597 trong tổng số 600 lao động mà Sở LĐTBXH Lào Cai giới thiệu. Cho đến thời điểm này, chúng tôi hài lòng với chất lượng lao động bởi các em được học nghề dài hạn, bài bản. Sắp tới công ty sẽ mở rộng sản xuất, hy vọng công ty sẽ tiếp tục được cộng tác với Sở LĐTBXH Lào Cai trong công tác dạy nghề, tạo việc làm".
“Năm 2010, Sở LĐTBXH Lào Cai đã đào tạo nghề hệ trung cấp cho 3.500 học viên là con em đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn Lào Cai và các tỉnh khác.” - Ông Ngô Văn Hoàng - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐTBXH Lào Cai
AGROINFO – Theo Báo Nông thông ngày nay

Tin khác