Thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo ở ĐBSCL - Mừng lo lẫn lộn

07/03/2011

Đầu tháng 3-2011, các doanh nghiệp bắt đầu triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo theo chỉ tiêu phân bổ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Giá lúa đang ở mức cao ngay thời điểm VFA triển khai thu mua tạm trữ được đánh giá là kịp thời, tạo sự phấn khích cho nông dân ĐBSCL. Song vẫn còn nhiều ẩn số lo ngại khi từ nay đến tháng 4, các tỉnh đồng loạt thu hoạch rộ, liệu có xảy ra tình trạng rớt giá?

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết ĐBSCL sản xuất hơn 1,5 triệu ha lúa đông xuân, với năng suất bình quân trên 6,5 tấn/ha, sản lượng hơn 10 triệu tấn. Trong đó, lúa hàng hóa khoảng 5-6 triệu tấn (tương đương khoảng 3 triệu tấn gạo). Năm nay VFA triển khai thu mua đúng lúc, tạo ra sinh khí sôi động khích lệ tinh thần nông dân trồng lúa. Mặt khác, việc giá gạo trên thế giới có xu hướng tăng và ở mức cao cũng là cơ sở để các doanh nghiệp sớm thu mua tạm trữ. Theo thông tin từ một số doanh nghiệp được VFA phân bổ mua tạm trữ 10.000 – 20.000 tấn gạo, sẽ sớm mua đạt chỉ tiêu theo giá thị trường.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng Giám đốc Gentraco, cho biết: “Công ty sẽ mua tạm trữ 25.000 tấn gạo. Trong đó, mua 15.000 tấn lúa (tương đương 7.500 tấn gạo) bao tiêu trực tiếp từ nông dân các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai (Cần Thơ) theo giá thị trường và cộng thêm 3% - 5% nếu lúa đạt chất lượng cao”. Không chỉ mua theo chỉ tiêu VFA phân bổ, nhiều doanh nghiệp như Công ty Mekong còn ký hợp đồng bao tiêu mua lúa trực tiếp từ nông dân trồng lúa chất lượng cao với giá 6.500 đồng/kg.
Theo Sở Công thương Đồng Tháp, hiện đã có 5 doanh nghiệp đang triển khai mua 58.000 tấn gạo tạm trữ theo phân bổ của VFA. Còn ở An Giang, ngoài 6 doanh nghiệp trong tỉnh, còn có thêm 4 doanh nghiệp các nơi đăng ký mua khoảng 100.000 tấn gạo tạm trữ. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Công thương An Giang, khẳng định: “Tình hình mua gạo tạm trữ đã và đang triển khai đúng kế hoạch, tất cả các doanh nghiệp đều có nguồn vốn dồi dào, hệ thống cung ứng lúa gạo rất tốt. Đặc biệt các kho chứa lúa gạo liên tục phát triển, đến nay toàn tỉnh có khả năng chứa đến 1 triệu tấn; trong đó kho của các doanh nghiệp lớn chiếm 50%”.
Kế hoạch thu mua 1 triệu tấn gạo tạm trữ (từ ngày 1-3 đến 15- 4), chiếm khoảng 1/3 sản lượng gạo hàng hóa vụ đông xuân ở ĐBSCL, được triển khai rộng khắp. Theo báo cáo từ các tỉnh, địa điểm thu mua, kho bãi, vận chuyển… đã sẵn sàng. Nguồn vốn hiện nay rất đầy đủ bởi các ngân hàng đã dành tín dụng cho doanh nghiệp. Dù khâu chuẩn bị chu đáo và được VFA triển khai sớm, tuy nhiên các tỉnh ĐBSCL vẫn cảm giác lo khi tới đây toàn vùng vào thu hoạch rộ liệu có xảy ra tình trạng rớt giá; mặc dù VFA cam kết mua theo giá thị trường và không để thấp hơn 5.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN- PTNT Hậu Giang, trăn trở: “Giá thành sản xuất lúa đông xuân năm nay rất cao. Bởi diễn biến thời tiết thất thường, mưa trái mùa làm nông dân gieo sạ nhiều lần, giá vật tư nông nghiệp, xăng dầu phục vụ bơm tưới… đều tăng. Có nơi chi phí sản xuất lên tới 3.700 - 3.800 đồng/kg. Vì vậy, ai cũng phập phồng nếu vào cao điểm mà doanh nghiệp nấn ná hòng ghìm giá là nông dân gặp khó, việc này trước đây vẫn xảy ra”
Cùng chia sẻ nỗi lo với nông dân, TS Lê Văn Bảnh đề xuất: “Chuyện thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo phải đi vào thực chất. Không nên mua cầm chừng, nhấp nhá, chờ giá thấp khi thu hoạch đông ken. Vấn đề là cần mua nhanh và nên tìm cách mua lúa trực tiếp từ nông dân để dân được hưởng giá cao, giảm các khâu trung gian không cần thiết”.
Ông Huỳnh Phú Lộc, thương lái chuyên nghiệp ở xã Vĩnh Thới (Lai Vung, Đồng Tháp), cho biết: “Hiện giá lúa hàng hóa ở ĐBSCL vẫn duy trì mức cao, nhưng chẳng hiểu sao các kho gạo ở Sa Đéc, Lấp Vò… bắt đầu hạ giá. Hiện gạo 5% tấm còn 7.900 – 8.000 đồng/kg; gạo 15% tấm 7.800 đồng/kg… giảm 100 đồng/kg so ngày hôm trước. Riêng gạo thơm 8.500 đồng/kg giảm khoảng 400 đồng/kg so với tuần trước”. Một số thương lái đặt vấn đề: có khả năng vào đợt mua tạm trữ, các kho gạo và doanh nghiệp ghìm giá gạo xuống để có lợi (!?). Chỉ cần giá gạo sụt khoảng 1 tuần trở lên và thương lái ngưng mua lúa, lập tức giá lúa ở ĐBSCL sẽ giảm. Chưa kể tới đây các tỉnh thu hoạch rộ, lúa nhiều, dân buộc phải bán để có tiền trang trải chi phí, tiêu xài…
 
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/3/27332.html


Tin khác