Bước sang năm 2011, chỉ số giá lương thực thế giới đã tăng hơn 28%, trong đó ngũ cốc tăng tới 44%. Lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực mới đã hiện diện. Đối với một nước xuất khẩu nông sản như VN thì đâu là cơ hội và đâu là thách thức?
|
GS Peter Timmer tại Hội thảo (Ảnh: Agroinfo) |
Đó cũng là nội dung của cuộc hội thảo: “Tác động của viêc tăng giá lương thực và chiến lược nông nghiệp mới cho VN”. Hội thảo có sự tham gia của GS Peter Timmer, hiện là chuyên gia cao cấp của Trung tâm hội nhập toàn cầu Hoa Kỳ và cũng là chuyên gia tư vấn chính sách lúa gạo hàng đầu thế giới.
Nhìn lại cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008, GS Peter Timmer đã đưa ra hàng loạt các sự kiện trước đó như giá bột mỳ, ngô, đậu tương tăng do nhu cầu quá lớn của các nước Trung Quốc, Ấn Độ; giá nhiên liệu dầu mỏ tăng vọt; Giá lúa gạo tăng chậm. Khủng hoảng lương thực năm 2008 chỉ xảy ra khi Ấn Độ đưa ra chính sách cấm xuất khẩu gạo và cùng lúc đó Philipin đưa ra chính sách nhập khẩu bằng mọi giá.Theo nhìn nhận của các chuyên gia thì năm nay cũng có những yếu tố ban đầu khá giống với năm 2008, tuy nhiên nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực tiếp theo là rất thấp.
GS Peter Timmer, chuyên gia cao cấp của Trung tâm hội nhập toàn cầu Hoa Kỳ cho biết: "Chúng ta hy vọng sẽ không có chuyện hoảng sợ về mặt tâm lý như năm 2008 vì mặc dù thị trường thế giới có nhiều biểu hiện giống với 2008 nhưng cái quan trọng để có thể xảy ra khủng hoảng lương thực đó là những chính sách gây sốc như cấm xuất khẩu hay nhập khẩu bằng mọi giá thì năm nay rất khó xảy ra. Tôi nghiêng về triển vọng tốt hơn cho những người sản xuất và kinh doanh nông sản hơn là những lo ngại về nguy cơ khủng hoảng lương thực".
Thị trường lúa gạo được đánh giá là nóng, trong đó Việt Nam là nguồn cung rất quan trọng của thế giới. Hiện giá xuất khẩu gạo Việt Nam 5% tấm đã đạt 520 USD/tấn, cao hơn cùng thời điểm năm trước 80 USD. Theo dự báo, xuất khẩu gạo thế giới năm nay sẽ tăng hơn 15% so với năm trước và Việt Nam được dự báo sẽ xếp sau Ấn Độ với mức tăng gần 38% so với năm 2010.
|
Ông Võ Trí Thành - Phó Viện Trưởng CIEM (ảnh: Agroinfo) |
Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương nói: "Chúng ta phải nhớ rằng không phải ai ở Việt Nam cũng sản xuất lúa gạo mà rất nhiều người phải mua gạo. Cho nên chúng ta phải làm sao vừa lấy được cái hưởng lợi từ giá đang tăng cho người sản xuất kinh doanh lúa, đặc biệt là nông dân nhưng mặt khác cũng phải làm sao kiềm chế mức tăng giá cả. Đây là một bài toán không đơn giản nhưng có một cách từ xưa đến nay vẫn khuyến cao chúng ta nên dùng đó là thuế xuất khẩu gạo".
Vấn đề lâu dài đó là Việt Nam phải có chiến lược nông nghiệp mới để giúp nông dân vượt qua khó khăn và chớp được thời cơ giá nông sản sẽ còn tiếp tục tăng cao. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm trước, giá lương thực tăng gần 18%. Thế nhưng, nông dân của ta lại không thu được lợi vì phải bán lương thực qua nhiều khâu trung gian, chi phí đầu vào tăng, phải vay lãi để sản xuất.
AGROINFO - Theo Đài Truyền hình VTV
Nguồn: http://www.vtv.vn/Article/Get/Nhan-dien-nguy-co-khung-hoang-luong-thuc-99b2e7d90d.html