Niên vụ 2010-2011, nông dân Phú Yên được mùa, trúng giá, nhất là sắn và mía. Tại các huyện miền núi, chưa bao giờ cây sắn lại được mua bán tấp nập như hiện nay, thậm chí cả thân cây cũng được băm ra để bán.
Hiện cũng là thời điểm mía chín rộ, giá cao, nông dân tất bận, nôn nóng thu hoạch kịp thời vụ. Thời tiết nắng nóng, mía phơi đầy đường, đứng chết cháy ngoài ruộng, trong khi đó các nhà máy đường không kịp tiêu thụ, hoặc tranh dành thu mua, vận chuyển những vùng nguyên liệu mía gần kề làm mía các địa bàn khác bị tồn đọng, ảnh hưởng đến năng suất.
Gom cây sắn xuất ngoại
Chưa bao giờ các thương lái tranh mua cây sắn tấp nập như hiện nay. Dọc theo tuyến đường trục dọc phía Tây Phú Yên từ xã Sơn Hội (huyện Sơn Hoà) đến xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) có đến hàng trăm điểm thu mua cây sắn. Bên cạnh đó hiện giá sắn lát tại nhiều nơi đang đẩy lên cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Hì hục băm chặt cây sắn, chị Thị Hải, một nông dân ở xã Sơn Hội cho hay: “Năm ngoái bán 1ha sắn thu 22 triệu đồng, nay bán chưa hết (vì sắn xắt lát mới thu hoạch đợt sau phơi chưa khô) đã kiếm gần 30 triệu đồng. Riêng tiền bán cây sắn chịu khó ngồi băm cũng bỏ túi trên 1 triệu đồng/ha”. Tại xã Xuân Phước (Đồng Xuân), giá mua “sô” (mua nguyên đám sắn chưa thu hoạch) liên tục leo thang. Anh Sáu, một nông dân trồng sắn tại xã Xuân Phước, cho biết, vừa bán 0,5 ha sắn với giá lên tới 15 triệu đồng. “Bán trước nên bị hớ, mới đây tư thương đến trả giá 0,5ha sắn của đứa em gái tôi gần 17 triệu đồng, họ bảo sắn củ to, cây cao nên mua được giá hơn”.- Anh Sáu nói.
Tại vùng trồng sắn ở các xã An Thọ, An Xuân (Tuy An) cây sắn cũng được thương lái săn lùng ráo riết. Giá mua từ 800 đến1.000 đồng/kg, trung bình một bao gần 50.000 đồng. Thấy cây sắn có giá, nhiều nông dân ở các địa phương này đổ xô chặt bán. Bà Thái Thị Thân ở xã Xuân Phước (Đồng Xuân), cho biết: “Thấy thương lái lùng sục từng nhà hỏi mua cây sắn nên tôi vác rựa dạo các bờ gò tìm chặt sắn giống bán kiếm thêm thu nhập”. Không riêng gì bà Thân, nhiều nông dân ở xã Xuân Phước cũng tranh thủ đi chặt cây sắn về bán kiếm tiền, ban đầu nhiều thì chọn cây to, về sau sắn khan hiếm dần thì “mót” cả cây nhỏ. Tuy nhiên, cách đây một ngày khi chặt mang vác về chất đống thì thương lái hạ giá ban đầu 500 đồng/kg, sau đó thì dứt khoát không mua. Hiện các đống cây sắn ế nằm ngổn ngang cạnh các tuyến đường. Chị Lanh, một thương lái thu mua nhỏ ở Đồng Xuân méo mặt, than vãn: “Cây sắn chất lên xe, đùng một cái bạn hàng gọi điện đến không nhập nữa, bây giờ nằm cứng trên xe tải”.
Mua gian, bán lận
Theo các thương lái, giá cây sắn cũng như sắn lát tăng mạnh do nhu cầu của Trung Quốc đòi hỏi…Các thương gia Trung Quốc sang tận nơi ký hợp đồng trực tiếp với các kho (cơ sở mua bán sắn) gần cảng Quy Nhơn, họ chấp nhận 20% tạp chất vì thế các kho tranh thủ pha hàng tạp chất là cây sắn vào để kiếm lãi. Chính vì thế tại cảng Quy Nhơn mỗi lần xuất kho bốc sắn lát lên tàu, các chủ kho “thủ” sẵn cây sắn để pha trộn.
Chị Đặng Cẩm Thu, chủ đại lý Thu Tân chuyên mua sắn lát ở huyện Sơn Hoà cho hay: “Ngày nào tôi cũng xuất một chuyến xe chở sắn lát ra cảng Quy Nhơn bán lại cho các kho chứng kiến cảnh pha trộn sắn lát và cây sắn rất tập nập, họ có cả một đội quân pha trộn chuyên nghiệp”. Cũng theo chị Thu, riêng các xe mang biển kiểm soát 78K ở Phú Yên mỗi ngày có đến hàng chục chiếc chở sắn lát và cây cây sắn ra bán lại cho các kho Minh Ân, Long Mỹ, Phú Lợi (cảng Quy Nhơn). Hiện tại các tàu chở sắn sang Trung Quốc ngày nào cũng cập cảng Quy Nhơn nên hàng sắn lát bán chạy.
Giá mua sắn lát tại Sơn Hoà 5.000 đồng/kg, gom đủ chuyến xe tải trên 10 tấn chở ra bán trừ chi phí xong bỏ túi trên 1 triệu đồng. Cũng chính vì lợi nhuận như vậy chị Thu sẵn sàng mua 5-10ha sắn đám rồi thuê công thu hoạch, nạo bóc vỏ và chặt phơi. Bình thường sắn xắt lát phơi 4-5 nắng mới khô giòn, nhiều lúc khan hàng các kho điện thoại thì 2-3 nắng cũng bốc lên xe. Tuy nhiên đi hàng sắn chưa khô này dễ mắc bệnh tim lắm. “Đã từng có trường hợp khi xe xuống hàng, chủ kho phát hiện sắn ướt không những không thanh toán tiền mà còn buộc bốc sắn ướt lên xe chở đi, lúc đó mới thấm thía cảnh mua gian bán lận”.- Chị Thu nói.
Thị trường xuất khẩu sắn lát sang Trung Quốc rất thất thường nên nhiều thương lái mua gian, bán lận đã trả giá. Anh Nguyễn Văn Tâm, một chủ xe tải vừa là thương lái ở huyện Đồng Xuân tâm sự: “Trước đây có một chuyến xe sắn chở ra tưởng kho nhập liền không ngờ bị ứ hàng do tàu Trung Quốc không cập cảng, còn các kho hết sức chứa. Ngồi chờ một ngày không thấy tăm hơi, sắn trên xe chạy nhựa, chỗ đâu mà phơi?, còn chở về tốn tiền chi phí đành chở lên các huyện ven bán đổ bán tháo cho các đại lý nhỏ”.
Ông Nguyễn Văn Tri, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Xuân lo ngại: “Tình trạng mua sắn cây băm nát ồ ạt như hiện nay, dễ dẫn đến nguy cơ thiếu giống sắn trầm trọng. Ngành đang cùng với các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân không nên nhất thời chạy theo lợi nhuận trước mắt, mà quên đi yếu tố sản xuất lâu dài, vì đây có thể là hoạt động phá hoại sản xuất".
AGROINFO - Theo Báo NNVN