Chuyên gia FAO: Lương thực tăng giá là điều tốt cho VN

10/03/2011

Làm thế nào để Việt Nam để Việt Nam tận dụng được cơ hội khi giá lương thực tăng, đó là vấn đề được các chuyên gia kinh tế đưa ra "mổ xẻ" tại hội thảo “Tác động của việc tăng giá lương thực đến nền kinh tế và đời sống nông dân Việt Nam” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) tổ chức ngày 9/3 tại Hà Nội.

Dùng lương thực thay nhiên liệu?
Giá dầu mỏ tăng, Mỹ đang hướng đến việc dùng lương thực để làm nhiên liệu thay thế. Đặc biệt, việc dùng lương thực để làm nhiên liệu thay thế đã gây tác động mạnh đến con người. Cụ thể, Mỹ sẽ sử dụng khoảng 119 triệu trong số 400 triệu tấn bắp để làm dầu ethanol, số lượng đủ để nuôi sống 350 triệu người/năm. Số bắp cần để tạo đủ nhiên liệu đổ đầy bình xăng một chiếc SUV có thể khiến một người no đủ suốt năm.
Nhu cầu về lương thực tăng, giá lương thực lại đang ở mức cao. Vì vậy, việc xuất khẩu lương thực sẽ đem về một nguồn tiền lớn hơn rất nhiều cho VN.
Muốn đẩy cơ hội thành lợi thế, phải có sáng kiến
Để tận dụng lợi thế này, theo GS Timmer, VN cần tập trung vào xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển máy móc công nghệ phục vụ nông nghiệp, tập trung đào tạo nâng cao khả năng của cán bộ, tập trung thu hút đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, giải quyết vấn đề sở hữu, đặc biệt là sở hữu đất.
Đặc biệt, phải hướng đến một chiến lược nông nghiệp có chất lượng nhất. “Sự thiếu hụt nguồn cung lương thực này bắt nguồn từ thất bại của các Chính phủ, các tổ chức phát triển và nhà tài trợ trong gần 3 thập kỷ qua trong việc đầu tư nguồn lực vào các hoạt động nghiên cứu nông nghiệp, phát triển hạ tầng nông thôn và giáo dục cho hộ nông dân sản xuất nhỏ. Đây vốn là những điều kiện cẩn thiết để cải thiện năng lực sản xuất”, GS Timmer nhận định.
GS.Peter Timmer (trái) phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Agroinfo)
 
Vì vậy, cần phải có sự cạnh tranh trong quá trình nghiên cứu chính sách, có thể sẽ có 4-5 cơ quan nghiên cứu cạnh tranh trong việc nghiên cứu, đề xuất chính sách, để có thể đưa ra được những sáng kiến tốt nhất cho chiến lược ngành nông nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp, tuy là cơ hội, nhưng VN cũng cần phải đối mặt với nhiều vấn đề như: quỹ đất hạn hẹp, nguồn lực bị bòn rút, sản xuất manh mún, khoa học công nghệ còn lạc hậu, vấn đề biến đổi khí hậu, hệ thống marketing yếu kém, chúng ta vẫn chủ yếu xuất thô nhiều mà giá trị gia tăng ít, thị trường bất ổn…
Cơ hội tốt để tăng thu nhập cho nông dân Việt Nam
Theo tính toán của Liên hợp quốc, FAO và Ngân hàng thế giới, hiện nay giá lương thực thế giới đã đạt mức kỷ lục và có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Abdolreza Abbassian, nhà kinh tế học, chuyên gia của FAO dự đoán xu hướng giá thực phẩm tăng sẽ tiếp tục diễn ra trong nhiều tháng tới. Điều này do nhiều yếu tố tác động, từ tự nhiên đến con người. Một loạt các diễn biến bất thường của khí hậu đã gây sức ép lên giá thực phẩm như hạn hán nghiêm trọng tại Nga, bão lụt tại Úc, mùa đông lạnh giá tại Mỹ và lụt lội nhấn chìm những cánh đồng cọ tại Malaysia.
Theo GS Peter C. Timmer, chuyên gia tư vấn chính sách lúa gạo hàng đầu trên thế giới, đây là diễn biến khá thuận lợi cho nông dân VN. Cụ thể, đây là cơ hội tốt để tăng thu nhập cho nông dân và tái phân phối phúc lợi xã hội.
Sẽ không thể xảy ra khủng hoảng lương thực
Theo GS. Timmer, tình hình giá lương thực trên thế giới tăng thời gian vừa qua không giống với sự tăng giá của cuộc khủng hoảng lương thực năm 2007-2008.
Sự tăng giá của của cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008 là do sự chuyển dịch cơ cấu đầu tư, hiện tượng đầu cơ vào sản phẩm nông nghiệp của các nhà tài chính một số nước như Trung quốc, Ấn độ, thêm vào đó là tác động về mặt chính trị, sự thắt chặt chính sách xuất khẩu của một số nước như Philippin, nguyên nhân hạn hán, mất mùa tại một số nước cũng tác động tới giá lương thực thế giới, dẫn tới cuộc khủng hoảng của năm 2007-2008.
Còn tại thời điểm hiện nay, giá lương thực tăng không phải là dấu hiệu bất thường, nguồn cung hiện nay vẫn đảm bảo tốt, không có dấu hiệu đầu cơ, hay hạn chế xuất nhập khẩu. Sẽ không có khủng hoảng lương thực, thậm chí đây còn là dấu hiệu tốt cho Việt nam.

 AGROINFO - Theo Bee.net

Nguồn: http://bee.net.vn/channel/2043/201103/Gia-luong-thuc-tang-Co-hoi-hay-thach-thuc-voi-VN-1792509/


Tin khác