GS. Peter Timmer: Sẽ không có khủng hoảng lương thực

10/03/2011

“Tại thời điểm hiện tại, giá lương thực tăng không phải là dấu hiệu bất thường, nguồn cung hiện nay vẫn đảm bảo tốt, không có dấu hiệu đầu cơ, hay hạn chế xuất nhập khẩu. Sẽ không có khủng hoảng lương thực, thậm chí đây còn là dấu hiệu tốt cho Việt Nam.” – Đó là phát biểu của GS. Peter Timmer trong Hội thảo bàn tròn “Tác động của việc tăng giá lương thực đến nền kinh tế và đời sống nông dân Việt Nam” diễn ra ngày 9/3/2011 tại Hà Nội do IPSARD tổ chức.

GS.Peter Timmer. (Ảnh: AGROINFO)
GS. Peter Timmer cho rằng, tình hình giá lương thực trên thế giới tăng thời gian vừa qua không giống với sự tăng giá của cuộc khủng hoảng lương thực năm 2007-2008, sự tăng giá của cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008 là do sự chuyển dịch cơ cấu đầu tư, hiện tượng đầu cơ vào sản phẩm nông nghiệp của các nhà tài chính một số nước như Trung Quốc, Ấn độ, thêm vào đó là tác động về mặt chính trị, sự thắt chặt chính sách xuất khẩu của một số nước như Philippin, nguyên nhân hạn hán, mất mùa tại một số nước cũng tác động tới giá lương thực thế giới, dẫn tới cuộc khủng hoảng của năm 2007-2008.  Còn tại thời điểm hiện nay, giá lương thực tăng không phải là dấu hiệu bất thường, nguồn cung hiện nay vẫn đảm bảo tốt, không có dấu hiệu đầu cơ, hay hạn chế xuất nhập khẩu. Sẽ không có khủng hoảng lương thực, thậm chí đây còn là dấu hiệu tốt cho Việt Nam.
Phân tích diễn biến tình hình lương thực thế giới, giáo sư P. Timmer cho rằng, đây đang là thời điểm thuận lợi cho nông nghiệp Việt Nam với hàng loạt các diễn biến như: giá ngô tăng, giá đậu tương tăng; Nhu cầu tiêu dùng gạo cho lương thực bình quân đầu người có nhu cầu giảm. Bắt đầu chuyển sang tiêu dùng lúa mỳ thay thế cho tiêu dùng lúa gạo trong tiêu dùng lương thực hàng ngày. Giá lúa vẫn ổn định cho đến gần đây vì chưa có quốc gia nào cấm xuất khẩu lúa mỳ và cũng chưa có hiện tượng đầu cơ lúa mỳ. Giá lúa mỳ chỉ giảm khi nghe tin có mưa ở Trung Quốc.
Nhấn mạnh thông tin này, giáo sư P. Timmer nói “Tại sao chúng ta phải đặt câu hỏi trong thời điểm này, bởi vì chúng ta có quá nhiều thông tin nhiễu loạn, chúng ta lo sợ có khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực. Nhưng không, khác với thời điểm 2007-2008, đây là thời điểm thực sự tốt cho nông nghiệp Việt Nam, khi mà giá café, cacao và một số hàng nông sản khác đều có giá cao, đây thực sự là thời gian tốt để có thể nói chúng ta không phải lo lắng đến chuyện ngắn hạn. Những nhà làm chính sách không nên quá lo ngại, hiện tại làm thế nào để duy trì, nâng cao đời sống người dân, và giữ vững thị trường hàng hóa? Đây là thời điểm thực sự ổn định và thuận lợi cho những nhà làm chính sách hướng tới mục tiêu xa hơn, có cái nhìn dài hạn hơn.”
Để phát triển nông nghiệp hơn nữa, theo giáo sư P.Timmer, Việt Nam cần chú trọng vào tập trung vào xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, từ đó đẩy mạnh nghiên cứu phát triển máy móc công nghệ phục vụ nông nghiệp. Hơn nữa, cần tập trung đào tạo nâng cao khả năng của cán bộ. Tập trung thu hút đầu tư tư nhân vào nông nghiệp để rốt ráo giải quyết vấn đề sở hữu, đặc biệt là sở hữu đất.  Việt Nam cần làm gì và làm như thế nào để “cất cánh” nông nghiệp của mình là vấn đề được giáo sư P. Timmer dành nhiều thời gian bàn tới.
Theo ông, Việt Nam  là quốc gia có lợi thế về nông nghiệp, vì vậy cần kết cấu nông nghiệp mới theo hướng mới là nông nghiệp phải mang lại lợi nhuận, Việt Nam cần tìm cách để đưa vào trong bối cảnh mới của chiến lược phát triển nông nghiệp chung của thế giới.
Định hướng chiến lược mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam, giáo sư P. Timmer đưa ra một số gợi ý, Việt Nam cần giải quyết và quan tâm đến các mục tiêu cơ bản như: Đến năm 2020, Việt Nam sẽ giảm khí thải carbon 20%. 45% khí thải từ nông nghiệp, trong đó một nửa là từ gạo; giảm tỷ lệ nghèo đi 20%; chuyển từ chiến lược đến  hành động có hiệu quả…
Để giải quyết những vấn đề này, theo giáo sư P. Timmer cần chú ý đến: Vai trò của khu vực tư nhân; sở hữu trí tuệ;  đầu tư cho nghiên cứu công nghệ trong nông nghiệp; giải pháp đảm bảo an ninh lương thực trong quá trình chuyển đổi nền nông nghiệp…
Đặc biệt, để có chiến lược nông nghiệp có chất lượng nhất, giáo sư P. Timmer cho rằng, không thể đóng cửa trong nghiên cứu chính sách này, có lẽ cần phải có sự cạnh tranh trong quá trình nghiên cứu chính sách, phải cần 4-5 cơ quan nghiên cứu cạnh tranh trong việc nghiên cứu, đề xuất chính sách, và trong bối cảnh cạnh tranh để có thể đưa ra được những sáng kiến tốt nhất cho chiến lược ngành nông nghiệp Việt Nam.

TS.Đặng Kim Sơn - Viện trưởng IPSARD phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: AGROINFO)

 
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn cảm ơn những chia sẻ của giáo sư P. Timmer và cũng đồng tình với các ý kiến của giáo sư P. Timmer khi Viện trưởng IPSARD nhắc lại lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và  PTNT tại Davos vừa qua: Có một câu hỏi tương tự dành cho Việt Nam là nông nghiệp Việt Nam đang cần gì để phát triển, cái đó không phải công nghệ, vì hiện nay công nghệ của Việt Nam cũng đã khả quan hơn nhiều, và có thể nói là có những bước tiến đáng kể. Vậy chúng ta cần làm gì để phát triển nông nghiệp Việt Nam trong 25 năm tới? Để làm được điều đó không phải đầu tư mà đó chính là chính sách. Phải làm tốt chính sách cả trong ngắn hạn và dài hạn. Để làm được điều đó, có chính sách tốt thì chúng ta cần phải có những nghiên cứu tốt, những sáng tạo, điều tra, bám sát với thực tế để có thể đưa ra những chính sách, những sáng tạo. Chỉ có làm tốt chính sách, có những chính sách tốt, thực sự đi vào thực tế, khả dụng đối với người nông dân, phù hợp với bước đi của chính phủ, và sự phát triển chung thì nông nghiệp mới phát triển được.
Phòng Truyền thông Agroinfo

Tin khác