Dự án cạnh tranh nông nghiệp: Lực đẩy cho kinh tế nông thôn

08/03/2011

Đến nay, sau gần 2 năm thực hiện Dự án cạnh tranh nông nghiệp (Aricultual Competi-tiveveness Project – ACP), tại hội nghị đánh giá giữa kỳ tổ chức mới đây tại Cần Thơ, ghi nhận của đoàn công tác sau khi kiểm tra thực tế và nhiều ý kiến của đại biểu 8 tỉnh trong vùng hưởng lợi từ DA cho thấy tiến độ thực hiện các hợp phần của DA diễn ra khá trôi chảy. Về cơ bản mục tiêu của dự án sẽ đạt được sau khi kết thúc dự án. Đặc biệt các hoạt động của dự án đang đáp ứng và hỗ trợ tốt yêu cầu sản xuất nông nghiệp của các địa phương.

ACP được tài trợ bởi Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA/WB) và Chính phủ Việt Nam với số vốn 75 triệu USD (tương đương 1.200 tỷ đồng, trong đó vốn vay là 59,8 triệu USD), thời gian thực hiện dự án từ năm 2009 đến 2013, với phạm vi hoạt động trên địa bàn 8 tỉnh gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Gia Lai và Đăk Lăk. Mục tiêu chung của dự án là nâng cao khả năng cạnh tranh của nông dân sản xuất nhỏ ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên thông qua việc liên kết sản xuất với khối Doanh nghiệp. Theo đó DN giúp nâng cao khả năng tiếp cận thị trường của nông dân thông qua việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ sản xuất mới, tổ chức lại nhóm sản xuất của nông dân và liên kết với các DN, đồng thời hỗ trợ một phàn cơ sở hạ tầng thiết yếu cho sản xuất.
Hiện nay toàn DA đã có 58 chủ đề chuyển giao và nghiên cứu kỹ thuật được xác định và thực hiện, trong đó có 16 chủ đề đã được các đơn vị chuyển giao thực hiện tại 8 tỉnh hưởng lợi DA. Về hợp phần hỗ trợ liên minh sản xuất (LMSX) đã có 71 LMSX được xác định và LMSX đủ điều kiện hoạt động giải ngân; trong hợp phần hỗ trợ cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như đường, thủy lợi, cầu, đập… Được biết tổng số vốn cam kết thực hiện dự án là 37 triệu USD, chiếm 49% tổng số vốn dự án.
Tuy số vốn giải ngân còn chậm so với kế hoạch ban đầu nhưng đại diện Ban quản lý DA các tỉnh khẳng định khả năng hoàn thành mục tiêu so với thiết kế DA vẫn đảm bảo, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cần điều chỉnh, tập trung vào hợp phần tăng cường công nghệ nông nghiệp, hỗ trợ LMSX. Tại Hội nghị đánh giá giữa kỳ lần này còn có ý kiến đóng góp của địa diện lãnh đạo Sở NN – PTNT 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL. Đây là vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với thế mạnh là lúa gạo, cây ăn trái có khả năng cạnh tranh và mở rộng quy mô, đặc biệt một số địa phương bắt đầu nhen nhóm các mô hình hợp tác LMSX. Do đó, các tỉnh ĐBSCL kiến nghị Ngân hàng Thế giới và các Bộ, ngành mở rộng phạm vi ACP tại vùng ĐBSCL.
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng nhấn mạnh: “ACP phải đầu tư tập trung để tạo chuyển biến sản xuất, chuỗi giá trị nông sản cho ĐBSCL; phải đầu tư tập trung vào vài loại sản phẩm chủ lực như lúa, cây ăn trái; phải loại bỏ những dự án lẻ tẻ. Mỗi tỉnh có thể thực hiện liên minh hàng ngàn, hàng chục ngàn héc-ta lúa. Các tỉnh có thế mạnh vườn cây ăn trái chú ý cải tạo vườn tạp sang trồng cây ăn trái chuyên canh. Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam chọn, đưa ra 3 loại cây chủ lực. Bên cạnh đó, đưa mô hình cơ giới hóa, thâm canh, áp dụng công nghệ cao; chọn lựa nhưng công nghệ đã được xác định; phải làm sao khi kết thúc dẹ án một mô hình mới được định hình, chuỗi giá trị được xác lập. Và cuối cùng nông dân ĐBSCL có được mô hình kinh tế mới tiên tiến”.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam – số 47 ngày 08.03.2011

Tin khác