Giáo sư nông nghiệp đại học Harvard P. Timmer đến Việt Nam

08/03/2011

Nhận lời mời của Viện Chính sách và chiến lược phát triển Nông thôn (IPSARD), ngày 9/3/2011, GS. Peter Timmer - thành viên không thường trực của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Center for Global Develoment – CGD) , từng là Hiệu trưởng trường Quan hệ Quốc tế và Nghiên cứu Thái Bình Dương, thuộc Đại học San Diego; giáo sư tại các trường thuộc hệ thống Harvard, Đại học Cornell và Stanford đã sang Việt Nam tham dự bàn tròn về “Tác động của việc tăng giá lương thực đến nền kinh tế và đời sống nông dân Việt Nam”.

Đây không phải lần đầu giáo sư P. Timmer sang Việt Nam. Lần gần đây là ngày 08/11/2010, GS. P. Timmer đã sang Việt Nam chia sẻ và đồng thuận về các khái niệm, hình mẫu một chiến lược phát triển kinh tế bền vững lấy nông nghiệp nông thôn làm nền tảng ở Việt Nam trước những biến đổi nhiều mặt của nền kinh tế thế giới từ sau khủng hoảng tài chính 2007-2008, trong đó, khủng hoảng về an ninh lương thực để lại tác động tâm lý và xã hội nặng nề.
Hội thảo bàn tròn lần này, Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn sẽ cùng giáo sư P. Timmer và các chuyên gia thảo luận về các vấn đề liên quan đến giá lương thực tăng cao và nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu, tác động của nó đến nền kinh tế và người dân Việt Nam.
Mới đây, giáo sư P. Timmer đã viết trên tờ Phố Uôn (WSJ), với tựa đề “Chính sách sai lầm dẫn tới thiếu lương thực’, ngày 22/2/2011, rằng, “Giá lương thực thế giới đang được đẩy lên cao – chỉ số giá lương thực của Liên Hợp Quốc tăng 28,3%, trong đó giá ngũ cốc tăng tới 44,1% - làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực có thể đang đến gần, chỉ ba năm sau lần khủng hoảng gần nhất. Liệu có phải thế giới đang thực sự hết lương thực? Câu trả lời là: thế giới đang cạn dần lương thực giá rẻ. Thế giới vẫn rất dồi dào tiềm năng cung ứng lương thực, chỉ có điều những tiềm năng này chưa được chạm tới. Và bởi vậy, nguồn cung hiện nay đang thấp hơn nhu cầu tăng lên từ các thị trường mới nổi. Sự thiếu hụt nguồn cung lương thực này bắt nguồn từ thất bại của các chính phủ, các tổ chức phát triển và nhà tài trợ trong gần 3 thập kỷ qua trong việc đầu tư nguồn lực vào các hoạt động nghiên cứu nông nghiệp, phát triển hạ tầng nông thôn và giáo dục cho hộ nông dân sản xuất nhỏ. Đây vốn là những điều kiện cẩn thiết để cải thiện năng lực sản xuất (đẩy đường giới hạn khả năng sản xuất nông nghiệp dịch sang phải).”(C. Peter Timmer. – Failed Policies Lead to Food Shortages. The Wall Street journal, Tuesday, February 22, 2011)        
Agroinfo sẽ tiếp tục thông tin về Hội thảo bàn tròn này trong các bản tin sau!
Giáo sư P. Timmer hiện là thành viên không thường trực của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Center for Global Develoment – CGD).
Trước khi gia nhập CGD, GS. Timmer là Hiệu trưởng trường Quan hệ Quốc tế và Nghiên cứu Thái Bình Dương, thuộc Đại học San Diego; giáo sư tại các trường thuộc hệ thống Harvard, và Đại học Cornell và Stanford.
GS. Timmer là chuyên gia hàng đầu thế giới về kinh tế nông nghiệp và kinh tế phát triển với số lượng lớn đóng góp nghiên cứu khoa học và uy tín quốc tế thông qua các hoạt động cố vấn chính sách phát triển nông nghiệp và an ninh lương thực cho chính phủ các quốc gia Đông và Đông Nam Á. Năm 1992, GS. Timmer nhận Huân chương Danh dự cao nhất (Bingtang Jasa Utama) của Cộng hòa Indonesia, tôn vinh những đóng góp của ông cho chính sách an ninh lương thực của quốc gia này.
GS. Timmer hiện đang cố vấn chiến lược hoạt động cho Bill & Melinda Gates Foundation trong hai lĩnh vực: phát triển nông nghiệp và an ninh lương thực.
GS. Timmer yêu mến và quan hệ gần gũi với nông nghiệp Việt Nam. Trong lần tới thăm Việt Nam vào năm 2008, GS. Timmer gặp gỡ nhiều vị lãnh đạo nông nghiệp Việt Nam, các nhà nghiên cứu và quy hoạch chính sách đầu ngành. Đây là thời điểm thế giới đối diện với khủng hoảng lương thực, thị trường gạo Việt Nam đang có nhiều biến động. GS. Timmer khi đó đã nhận định giá gạo tuy đang tăng cao nhưng sẽ nhanh chóng đảo chiều. Sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã thực hiện các điều chỉnh chính sách.
 

 


Nhóm thông tin Agroinfo

Tin khác