Xuất khẩu 2011: Chú trọng giá trị gia tăng hàng hóa

08/03/2011

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.Hồ Chí Minh, năm 2011, do khó tiếp cận thị trường mới nên cần đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường truyền thống. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã tới ngưỡng nên việc nâng cao chất lượng, giảm dần số lượng sẽ làm “đòn bẩy” nâng kim ngạch xuất khẩu.

Khó ở thị trường mới
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng đưa ra dự báo, những thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng của Việt Nam từ năm 2010 là các nước châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latinh... Tuy nhiên, tình hình đến nay cho thấy, việc khai thác những thị trường mới này không dễ. Các nước khu vực châu Phi mặc dù có nhu cầu phù hợp với hàng hóa có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, nhưng vị trí địa lý xa xôi, khác biệt văn hóa và kinh doanh không bài bản, tính thương mại quốc tế chưa cao sẽ là những rào cản lớn.
Đối với Trung Đông, đây là thị trường giàu có nhưng khó tính, việc lựa chọn hàng hóa tiêu dùng để nhập khẩu phụ thuộc rất nhiều vào phong tục tập quán, văn hóa, tín ngưỡng, trong khi điều kiện để tìm hiểu thông tin, nghiên cứu thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, rất khó đáp ứng yêu cầu của đối tác.
Tại thị trường Mỹ Latinh, hàng Việt Nam chịu sự cạnh tranh với hàng Trung Quốc, Thái Lan nên việc tiếp cận không dễ dàng. Trong năm 2010, có trên 50 đoàn doanh nghiệp các nước khu vực châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latinh đến Việt Nam để tìm kiếm đối tác thương mại, kêu gọi đầu tư, liên doanh xuất - nhập khẩu, phân phối hàng hóa nhưng việc khai thác những thị trường này vẫn còn nhiều trở ngại khiến doanh nghiệp không mấy mặn mà.
Điểm sáng truyền thống
Theo Bộ Công Thương, trong năm 2010, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 14,78 tỉ USD, chiếm khoảng 21% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Thị trường Hoa Kỳ tiêu thụ đa dạng các loại hàng, từ trung bình đến cao cấp, trong đó lĩnh vực chiếm kim ngạch lớn nhất là dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản, nông sản...
Nhật Bản, EU cũng là 2 thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam. Vượt qua khủng hoảng kinh tế thế giới, đến nay hai thị trường này đã trở lại vị trí là những nhà tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu lý tưởng, đặc biệt là thị trường Nhật Bản, xu hướng tiêu dùng hiện đại và cao cấp đang gia nhập.
Một thị trường lớn, rất quan trọng và đầy tiềm năng của Việt Nam là ASEAN bởi hiện nay đang có nhiều ưu đãi dành cho hàng hóa xuất khẩu của các nước nội khối. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào ASEAN năm 2010 chiếm tới 18,5% và tăng trên 25% so với năm trước đó. Ngoài ra, thị trường ASEAN còn được đánh giá là điểm tựa quan trọng để hàng xuất khẩu Việt Nam tiến vào các khu vực kinh tế khác.
Năm 2011, hàng xuất khẩu nước ta có thêm một số thị trường quan trọng là Australia, New Zealand bởi Hiệp định thành lập khu vực tự do thương mại ASEAN-Australia-New Zealand có hiệu lực từ 1/1/2010, với trên 1.800 dòng thuế được bãi bỏ. Hàng Việt Nam đang có nhiều cơ hội ở hai thị trường này. Dự báo tới đây một số thị trường như Cộng hòa Chile, Liên bang Nga sẽ có chuyển biến theo hướng tăng nhập khẩu từ khu vực ASEAN các mặt hàng nông, thủy sản... và đây sẽ là lợi thế cho Việt Nam.
Lâu nay, Việt Nam vẫn được biết đến như nước sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản với số lượng lớn. Tuy nhiên, các mặt hàng này giá trị chưa cao so với hàng hóa thương phẩm cùng loại của một số nước xuất khẩu khác. Vì thế, theo các chuyên gia, ngoài việc nâng cao năng suất, sản lượng cho cây trồng, vật nuôi, nhà sản xuất cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nên chú trọng hơn đến khâu chế biến, bảo quản, đóng gói thành phẩm để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cho mặt hàng.
Gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đề ra mục tiêu tăng từ 8-10% giá trị sản xuất chế biến nông, lâm, thủy sản. Theo đó, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ phải phát triển theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa được bảo quản, nâng giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm. Bộ cũng yêu cầu các đơn vị chức năng triển khai các biện pháp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, đồng thời sớm xây dựng mới các tiêu chuẩn liên quan đến vấn đề này.
Rõ ràng, với xu thế hội nhập và cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản chú trọng đầu tư, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa là điều tất yếu. Trong đó, việc hiện đại hóa các cơ sở chế biến được coi là mắt xích quan trọng, giúp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị cho sản phẩm hàng hóa.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn

Tin khác