Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau là 3 tỉnh có nhiều sông, rạch, kênh dẫn nước, kênh nội đồng và có các con sông chính như Quản lộ Phụng Hiệp (QLPH), sông Cái Lớn... Nhưng năm nào cũng vậy, trời dứt mưa là nhiều nơi lúa thiếu nước ngọt, tôm thì thiếu... nước mặn.
Đến hẹn lại... thiếu nước
Những ngày gần đây, hàng trăm hộ dân nuôi tôm dọc kênh Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) phải "gồng mình" trong cơn "khát" nước mặn. Toàn bộ kênh dẫn nước đã bị bồi lắng đến nặng nề, có nơi dân chúng có thể đi lại dễ dàng qua kênh mà không bị lún vì đất dưới kênh gần khô cạn.
Thiếu nước, nhiều hộ không canh tác, đất bỏ hoang. Anh Nguyễn Văn Liềm (ấp Vĩnh Tân, xã Vĩnh Thịnh), kể: "Cả tháng nay, người dân chờ ngành nông nghiệp nạo vét kênh, nhưng chưa thấy động tĩnh gì. Bên kia vùng bắc Quốc lộ 1A, một bộ phận diện tích nuôi tôm cũng chung số phận, nhiều hộ không có nước nuôi tôm vì chờ độ mặn gia tăng".
Dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam hay thông tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn khu vực và các tỉnh đều chung nhận định: Độ mặn năm nay cao hơn trung bình hàng năm và cao nhất vào khoảng tháng 3, kéo dài đến giữa tháng 4.
Do đầu nguồn sông Mekong giảm lượng nước đổ về trong mùa khô năm nay, nên nước mặn có thể xâm nhập sâu vào đồng ruộng tại các tỉnh ven biển như Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau…
Khu vực bị ảnh hưởng bởi sông Cái Lớn đổ về các huyện Ngã Năm (Sóc Trăng), Gò Quao (Kiên Giang), Hồng Dân, Phước Long (Bạc Liêu), Thới Bình (Cà Mau) thì hiện không thiếu nước, nhưng khổ vì nước bẩn. Ngay cả tuyến QLPH nước cũng không được sạch để dân lấy nuôi tôm.
Nhiều kênh nội đồng đầy ván phèn, nước màu vàng khè, nhiều nông hộ không dám lấy nước bơm lên đồng sản xuất lúa. Cụ thể như nước trên các kênh cấp 3 khu vực Phước Long, Hồng Dân (Bạc Liêu); Thới Bình (Cà Mau) và Thạnh Trị (Sóc Trăng), cục bộ bị nhiễm phèn, buộc nông dân phải xử lý, tăng chi phí đầu vào khi muốn bơm tưới cho lúa.
Tình trạng thiếu cả nước mặn và ngọt cho từng đối tượng nuôi trồng đang diễn ra liên tục và trầm trọng tại 3 tỉnh hạ nguồn Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau. Trước tình hình trên, Sở NNPTNT các tỉnh đã tổ chức đóng mở cống theo lịch định kỳ để nông dân chủ động bơm nước lên đồng khi cống mở và tiến hành trữ nước.
Thêm khó vì… tranh chấp
Kỹ sư Phan Minh Quang - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu nhận định: "Thiếu mặn tuyến nam quốc lộ là vì kênh bị bồi lắng quá nhanh". Tuy vậy, ở một số nơi, dù tuyến kênh, mương vẫn còn khả năng tải nước, nhưng nông dân vẫn thiếu nước ngọt, hoặc thiếu nước mặn, còn là vì tranh chấp.
Như do muốn giữ cho lúa, nên nước ngọt từ kênh QLPH được dẫn về sâu ở một số vùng, khiến vùng nuôi tôm lân cận lại không thể dẫn mặn về, gây thiếu nước mặn cục bộ.
Một số vùng lúa của tỉnh này, nhưng ngay kế đó, vùng nuôi tôm lại là của tỉnh khác nên rất khó phối hợp điều tiết nước bởi bất nhất về lợi ích. Như tại vùng giáp ranh khu vực huyện Ngã Năm (Sóc Trăng) và Bạc Liêu, Sở NNPTNT Sóc Trăng đang lo lắng, bởi gần 10.000ha lúa đông xuân muộn đang bị đe dọa xâm mặn từ hướng vùng nuôi tôm của Bạc Liêu lên và độ mặn đáy sông cách cống Nàng Rền đang gia tăng dần.
Có thể nói, tranh chấp mặn-ngọt giữa vùng nuôi tôm và vùng trồng lúa ở nhiều nơi luôn xảy ra gay gắt hàng năm. Thậm chí, như tại nơi giáp ranh mặn-ngọt, kéo dài từ kênh Sáu đến kênh Tám Ngàn (Bạc Liêu), nhiều hộ lúng túng khi từ đầu vụ không biết nguồn nước có thể nuôi tôm hay trồng lúa, do đó thiếu chủ động canh tác.
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay