Phát triển kinh tế đồi rừng – Hướng làm ăn hiệu quả ở Lạng Sơn

08/03/2011

Phát triển kinh tế đồi rừng (KTĐR) đã và đang là hướng làm ăn hiệu quả của người dân "xứ Lạng" , một trong các tỉnh miền núi phía Bắc có trên 80% diện tích là đất lâm nghiệp, đồi rừng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông-lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa cũng chính là giải pháp để Lạng Sơn phát triển bền vững .

Khác với nhiều hộ dân ở thành phố Lạng Sơn, chỉ chuyên lo chạy chợ, buôn bán, gia đình chị Chu Thúy Sung, ở xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn, từ năm 2000 lại mạnh dạn nhận hơn 60 ha để phát triển KTĐR. Chị Sung cho biết: Đất ven thành phố người dân bỏ hoang, đồi, núi trọc chỉ có cỏ và cây sim... vì nhiều hộ dân trồng cây theo phong trào, mỗi nơi trồng một ít cây vải thiều, nhãn, hồng... nên hiệu quả kinh tế không cao. Khi có đất, gia đình tôi đã nhờ Công ty cổ phần giống lâm nghiệp vùng Đông bắc, nghiên cứu tìm giống cây trồng cho phù hợp với chất đất và điều kiện khí hậu ở đây. Được sự hỗ trợ về giống và kỹ thuật, gia đình trồng thử cây dẻ; sau hai năm trồng cây đã ra quả; cây dẻ thích hợp với đất khô cằn, chịu được hạn hán và ít sâu bệnh; đặc biệt là cây dẻ năm nào cũng cho quả; do vậy, gia đình đã trồng được trên 3 ha. Năm 2010, gia đình chị Sung đã thu hoạch được 12 tấn hạt dẻ; với bán trên thị trường hiện nay là 40 nghìn đồng/kg, nên gia đình đã thu về hơn 480 triệu đồng; trừ chi phí, bình quân mỗi ha thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm.
Ở xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng, người dân lại khai thác lợi thế của đồi rừng để thoát đói nghèo theo cách khác. Ông Nguyễn Văn Tâm, trưởng thôn Làng Giang xã Gia Lộc cho biết: vùng đồi núi này khô cằn quanh năm, mỗi năm chỉ trồng được một vụ ngô, nên đời sống của bà con rất khó khăn. Từ ngày đưa cây bò khai về trồng, đời sống bà con đổi thay bởi một ha bò khai chăm sóc tốt sẽ cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha; cây bò khai dễ trồng, lại cho thu hái quanh năm; giá trị một cân rau bò khai trị giá bằng ba cân gạo….
Cũng với mơ ước “biến rừng thành vàng” anh Nông Văn Mậu ở xã Đào Viên huyện Tràng Định đã tìm hiểu, nghiên cứu và mạnh dạn vay vốn của ngân hàng để trồng rừng; đến nay gia đình anh đã trồng được hơn 300 ha rừng cây bạch đàn và keo. Anh Mậu cho biết: Cây keo và bạch đàn rất phù hợp với chất đất và khí hậu ở đây nên phát triển tốt; ngoài ra các loại cây cảnh như tùng la hán cũng rất phù hợp; do vậy đến nay tôi đã trồng trên 1.000 cây tùng la hán, trị gía trung bình mỗi cây từ 300 đến 350 ngàn đồng mỗi cây. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh đã tạo công ăn việc làm cho gần 100 lao động thời vụ tại địa phương và trên 10 lao động thường xuyên với mức lương trên dưới 1,5 triệu đồng/người/tháng. Từ mô hình trồng rừng của anh Nông Văn Mậu, hiện nay phong trào trồng rừng của các hộ gia đình ở các xã trong huyện Tràng Định ngày càng phát triển mạnh, góp phần nâng cao đời sống của người dân nơi đây.
Theo Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn, hiện toàn tỉnh có trên 40 nghìn hộ nông dân làm kinh tế khá, giỏi, có thu nhập hàng năm từ 40 đến 100 triệu đồng trở lên (chiếm hơn 22% số hộ nông dân). Các hộ nông dân làm kinh tế chủ yếu là mô hình KTĐR, nông, lâm kết hợp, chăn nuôi, kinh doanh đa ngành nghề... Nhờ đó nhiều địa phương đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, với nhiều mô hình phong phú như: vùng cây ăn quả, cây đặc sản, cây công nghiệp... Nổi bật như vùng na dai huyện Chi Lăng, với khoảng 1.200 ha, sản lượng một năm hơn 6.300 tấn; trung bình một ha trồng 500 cây, nếu đầu tư chăm sóc theo quy trình một vụ na thu hơn 75 triệu đồng/ha, gấp ba lần so với trồng cây ngô. Vùng cây đặc sản quýt ở huyện Bắc Sơn, hiện cũng có gần hai nghìn ha, mỗi năm cho thu hoạch từ 1.300 đến 1.600 tấn quả... Số hộ thu nhập từ cây quýt mỗi năm từ 50 đến 150 triệu đồng/năm chiếm 20% số hộ nông dân trồng quýt trong huyện. Ngoài ra còn cây công nghiệp được hình thành ở hai huyện Lộc Bình và Đình Lập, với tổng diện tích hơn 60 nghìn ha; nhiều hộ nông dân có cuộc sống ổn định, thoát khỏi đói, nghèo nhờ khai thác nhựa và gỗ thông..
Hiệu quả phát triển KTĐR ở Lạng Sơn là rõ ràng. Tuy nhiên, kết quả đạt được cho đến nay còn khiêm tốn. Ông Nông Ngọc Tăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp& PTNT cho biết: hiện tỉnh Lạng Sơn còn trên 300 nghìn ha đất đồi chưa được đưa vào sử dụng, (chiếm 30% tổng diện tích đất lâm nghiệp của toàn tỉnh), số trang trại theo đúng tiêu chí mới chỉ có 46 trang trại; chất lượng cũng như sản lượng hàng hóa sản xuất ra còn thấp và không ổn định; việc phát triển KTĐR chủ yếu là tự phát; việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế...
Để khai thác và phát huy có hiệu quả của tiềm năng thế mạnh của một tỉnh miền núi, cần phải khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các hộ gia đình, các thành phần kinh tế, đầu tư, hoặc tham gia góp vốn đầu tư, ký kết tiêu thụ sản phẩm cho các trang trại, mô hình KTĐR; chú trọng xây dựng mối liên kết bốn nhà và đặc biệt chính quyền các đại phương và các ngành chức năng cần thường xuyên bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật, quản lý cho các chủ trang trại, chủ rừng, hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho người nông dân; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như: giao thông, thủy lợi, chợ...để giúp người dân có cơ hội tiếp cận, định hướng sản xuất theo thị trường... Có vậy mới phát huy được lợi thế và tiềm năng của đồi rừng, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.
AGROINFO – Theo Thông tấn xã Việt Nam

Tin khác