Được giá, không phá bỏ
Bà Hoàng Thị Thừa ở thị trấn Di Linh (huyện Di Linh) nói: “gia đình tôi có 2 ha café ở xã Đinh Trang Thượng. Mấy năm nay, do giá café bấp bênh nên dẫu biết rằng việc chuyển đổi giống Robusta già cỗi (hơn 20 năm tuổi) sang trồng giống Catimor là cần thiết nhưng gia đình khó thực hiện vì thiếu vốn”. Hiện tượng thiếu vốn để thực hiện việc chuyển đổi café già cỗi như bà Hoàng Thị Thừa là hiện tượng khá phổ biến trong nông dân ở Lâm Đồng. Bên cạnh đó, do tâm lý “được chăng hay chớ” nên tại nhiều vùng café trọng điểm của Lâm Đồng, hiện tượng giữ vườn café để “tận thu” vẫn còn diễn ra khá phổ biến.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Lâm Đồng, ngoài 10.000 ha café tuy dưới 20 tuổi nhưng có biểu hiện già cỗi, trên địa bàn toàn tỉnh còn có đến 40.000 ha café trên 20 năm đã hoàn toan già cỗi, cho năng suất thấp, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. “Trước mắt, 40.000 ha café này phải nhanh chóng chuyển đổi bằng giống café chất lượng cao hoặc chuyển sang trồng các loại cây trồng khác” – lãnh đạo Sỏ NN&PTNT Lâm Đồng tỏ ra kiên quyết. Song, cũng theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, vụ café vừa qua với giá café cao ngất ngưởng (từ 40.000 đến trên 45.000 đồng/kg – giá cao nhất trong vòng 5 năm qua) đã khiến nhiều hộ nông dân “triệt tiêu” ý định phá bỏ vườn café cũ để thay thế bằng vườn cây có chất lượng cao hơn.
Ông Lưu Nhi Lan, một chủ vườn café trên 10 ha ở xã Tân Thượng, huyện Di Linh, thẳng thắn: “Với giá café cao như thế này, nguồn lợi thu về của người nông dân là rất lớn. Bởi vậy, không có nhiều người đủ “can đảm” phá bỏ vườn café để thay đổi cây trồng khác đâu”. Trong khi đó, theo quy hoạch chung của tỉnh Lâm Đồng thì từ nay đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, Lâm Đồng sẽ ổn định diện tích café chỉ khoảng 135.000 ha; trong đó đặc biệt chú trọng đến việc thay thế các giống café mới theo chương trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của mình.
Cần giải pháp mạnh
Công bằng mà nói, việc vận động người dân phá bỏ khoảng 50.000 ha café hiện có sang trồng các loại cây trồng khác hoặc trồng café chất lượng cao ở Lâm Đồng hiện nay (trong bối cảnh giá café tăng cao) là một việc làm vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, việc giữ lại diện tích cây café già cỗi là “điều đáng tiếc” trong tương lai không xa.
Lâm Đồng hiện có 140.000 ha café, trong đó có trên 100.000 ha café kinh doanh. Sản lượng café nhân hàng năm của Lâm Đồng được xếp vào hàng nhất nhì của cả nước. Song, giá café của tỉnh này luôn luôn thấp hơn giá chung của cả nước là một điều đáng lo ngại. Ví dụ, hiện trung bình giá 1 kg café ở Tây Nguyên đang là 46.500 đồng thì café của riêng Lâm Đồng chỉ không đến 46.000 đồng/kg. Điều đáng lo ngại nữa, café Lâm Đồng góp phần không nhỏ về số lượng để café Việt Nam chiếm lĩnh đến 18% thị phần café thế giới nhưng ảnh hưởng của ngành café Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung không lớn trong việc quyết định giá cả sản phẩm mà việc điều tiết giá hầu như chỉ tập trung vào một vài nhà đầu cơ nước ngoài.
“Chất lượng sản phẩm phải bắt đầu từ khâu giống, chăm sóc… đến thu hoạch và bảo quản. Tiếp theo, chất lượng đó còn do khâu chế biến và cả bao bì. Thế nhưng, café Lâm Đồng đã không đủ “tầm” để nâng cao vị thế của mình trên thị trường nên việc luôn luôn thấp hơn một vài giá cũng là điều không quá khó hiểu” – một lãnh đạo Sở NN&PTNT Lâm Đòng phát biểu.
Phải bắt đầu từ khâu giống là một trong những điều đã được các nhà hoạch định chiến lược cho lộ trình phát triển cây café tỉnh Lâm Đồng đưa ra. Kế đến, để có sản phẩm cây café sạch, cần tuân thủ quy trình canh tác của các bộ tiêu chuẩn sạch của Việt Nam và thê giới đưa ra. Rồi nữa, theo nhiều chuyên gia, Lâm Đồng – một trong những vùng trọng điểm café của Tây Nguyên – không nên quá chú trọng đến việc mở rộng diện tích mà cần tập trung đâu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm một cách toàn diện để vị thế của loại sản phẩm café Lâm Đồng được nâng coa trên thị trường trong và ngoài nước.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam – số 47 ngày 08.03.2011