Bất cập trong thu hoạch mía ở Phú Yên

08/03/2011

Đang là thời điểm mía chín rộ, giá mía nguyên liệu cao nên nông dân Phú Yên ồ ạt thu hoạch, trong khi các nhà máy đường không thể tiêu thụ hết, khiến một lượng lớn mía bị tồn đọng phải phơi nắng giữa ruộng, gây thiệt hại không nhỏ cho bà con.

Nông dân xót xa
Dọc Quốc lộ 25 và các tuyến ĐT 644, 648 về các xã của huyện Sơn Hòa, mía nằm ngổn ngang hai bên đường chờ xe chở, trong khi đó, nhiều nông dân vẫn đang gấp rút thu hoạch mía với mong muốn giữ được năng suất và sớm được vận chuyển về nhà máy. Ông Nguyễn Trọng Thành ở xã Sơn Hà than thở: “Tôi trồng 5 ha mía, được Nhà máy đường KCP cấp phiếu đốn từ ngày 24/1, nhưng mới chở được ba xe thì có lệnh dừng. Hiện còn 150 tấn vẫn đang nằm phơi nắng tại ruộng. Nắng nóng, mía già, năng suất sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Ông Trần Dũng ở thôn Đồng Phú, xã Đức Bình Tây (Sông Hinh) cho biết: “Đây là thời điểm thích hợp để thu hoạch bởi mía đã chín, chữ đường đạt yêu cầu, chúng tôi tranh thủ thu hoạch để trồng và chăm sóc vụ mía mới. Thời gian trước tháng 4 thường có mưa, nếu mía tơ được làm cỏ, bón phân, gặp mưa thì bằng công chăm sóc cả tháng”. Tuy nhiên, do đốn không theo kế hoạch, cộng với việc nhà máy đường của Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa bị hỏng tua-bin phát điện, dẫn tới việc công ty này phải ngừng thu mua đã khiến hàng trăm tấn mía của bà con đành phơi nắng.
Ông Phạm Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây cho biết: “Xã có khoảng 400 ha mía, đến nay đã thu hoạch trên 35% diện tích. Đợt vừa qua có khoảng 200 tấn mía bị phơi nắng từ 7-10 ngày vì không có xe chở, dẫn đến trọng lượng mía giảm tới 15 – 20%”.
Không riêng người trồng mía, các nhà xe ký hợp đồng vận chuyển mía cho nhà máy đường cũng lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vì giá dầu tăng cao. Ông Võ Văn Thắng, một chủ xe tải ở thôn Ngân Điền, xã Sơn Hà cho biết: “Với giá cước vận chuyển như hiện nay, sau khi trừ tiền công, dầu, một ngày cũng chỉ kiếm được 200.000 đồng. Nếu nhà máy không hỗ trợ giá dầu hoặc tăng giá cước vận chuyển thì đành phải cho xe nghỉ chạy”.
Chung tay tháo gỡ
Gần đây, nhiều nông dân còn phàn nàn về việc xếp lịch đốn, vận chuyển mía của tổ điều hành mía đường các xã; lái xe đòi thêm tiền khi chở mía. Về vấn đề này, ông Bình cho biết: “Sau khi có thông tin về việc “lót tay” để được bố trí lịch đốn mía và vận chuyển, UBND xã đã chuyển tổ điều hành mía đường của xã từ buôn Quang Dù về trụ sở UBND xã; công khai lịch đốn mía, lịch vận chuyển, cử cán bộ theo dõi để giải quyết kịp thời cho bà con”.
Ông Lê Tấn Đàm, Phó giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa giải thích: “Giá mía hiện ở mức 900.000 đồng/tấn tại ruộng, nếu mía sạch và đạt 11 chữ đường trở lên thì công ty mua với giá 970.000 đồng/tấn tại ruộng. Trong hợp đồng giữa công ty với bà con ghi rõ: Sau khi thu hoạch mía, bà con phải vận chuyển lên đường nhưng lâu nay, bà con thu hoạch xong thường để tại ruộng rồi bồi dưỡng thêm cho lái xe khoảng 100.000 đồng/chuyến để họ đưa xe vào tận ruộng bốc mía”.
Trước việc giá xăng, dầu tăng cao, Công ty TNHH KCP Việt Nam đã thay đổi giá cước vận chuyển từ cuối tháng 2, đồng thời nhà máy cũng có hỗ trợ cước vận chuyển tạp chất cho nhà xe. Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa cũng vừa quyết định điều chỉnh giá cước vận chuyển mía. Theo đó, từ ngày 24/2, Công ty chi trả cước vận chuyển 1/2 lượng tạp chất của mỗi chuyến xe. Giá thanh toán cước vận chuyển tăng thêm gần 10% so với giá cũ.
 
Cùng với các doanh nghiệp, ngành chức năng huyện Sông Hinh cũng vào cuộc giúp bà con tháo gỡ khó khăn. Ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện chỉ đạo: “Các xã, thị trấn tiếp tục chỉ đạo tổ điều hành mía đường phối hợp chặt chẽ với Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa nắm kế hoạch thu mua mía thuộc vùng nguyên liệu của công ty, đồng thời kiểm tra, bám sát địa bàn để điều phối kế hoạch thu hoạch mía một cách hợp lý, theo hướng có lợi cho nông dân”.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn

Tin khác