Nông dân Kon Tum điêu đứng vì nắng hạn

16/03/2011

Chúng tôi đến xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum), khi bà con nông dân ở đây đang dốc sức chống hạn. Ông Hồ Đình Tài, Chủ tịch HĐND xã cho biết: Vụ đông xuân năm nay cả xã gieo trồng 280ha lúa. Đến nay, đã có 17ha khô cháy. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài thêm sẽ có 5 đến 10ha lúa tiếp tục khô cháy.

Theo chân ông Phạm Hùng, Trưởng thôn 7, xã Đoàn Kết, đi thăm ruộng lúa và các hồ chứa nước trên địa bàn, chúng tôi thấy hồ Tân Điền, hồ Cà Tiên đều đã cạn trơ đáy. Ruộng lúa của bà con nứt nẻ và khô cháy. Ông Phạm Hùng than thở: "Năm nay, bà con thôn 7 chỉ gieo trồng 15ha lúa đông xuân. Nhưng đến hôm nay, đã có 12ha bị mất trắng; gia đình mất ít là 1 sào, nhiều thì 3 sào. Bà con đã bỏ ra hàng chục triệu đồng đầu tư khoan giếng, mua dầu để chống hạn, nhưng lúa vẫn chết. Tôi làm thôn trưởng đã 15 năm nay, chưa năm nào thấy hạn hán đến thế...
Để chứng minh, ông Hùng dẫn chúng tôi lội xuống khu ruộng lúa bị hạn. Tại đây, hàng chục hộ dân đang túc trực ngày đêm để bơm nước cứu lúa. Anh Đặng Đình Hương, người dân thôn 7, bỏ bát cơm đang ăn bên cạnh máy bơm, cho biết: "Ở đây cứ 3-4 gia đình chung nhau khoan một cái giếng giữa đồng để bơm nước. Giếng khoan sâu từ 20 đến 25m. Mỗi đợt tưới từ 10 đến 15 giờ đồng hồ, các gia đình phải chi hơn 200.000 đồng tiền dầu. Nếu trời cứ tiếp tục nắng nóng thì cũng đành nhìn lúa chết cháy, tiền đâu có để mua dầu".
Không riêng gì thành phố Kon Tum, cây trồng ở các địa phương khác như: Sa Thầy, Đắc Hà, Kon Rẫy, Đắc Tô và Tu Mơ Rông cũng đang từng ngày chết cháy. Trong đó, Sa Thầy là bị nặng nhất. Trao đổi với chúng tôi về tình trạng hạn hán tại địa phương, anh Trần Văn Hữu, Phó chủ tịch UBND xã Sa Bình cho biết: Đến nay, đã có 5ha lúa bị khô cháy và mất trắng. Nếu trời tiếp tục nắng nóng kéo dài, sẽ có thêm khoảng 12ha tiếp tục khô cháy...
 
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, tính đến đầu tháng 3-2011, toàn tỉnh có gần 1.400ha cây trồng bị hạn. Trong đó, 210ha có nguy cơ mất trắng. Nếu nắng nóng tiếp tục diễn ra, diện tích cây trồng (chủ yếu là lúa đông xuân) bị hạn có khả năng lên đến 2.460ha. Các huyện Đắc Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum bị hạn hán nặng nhất. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Kon Tum đã trích 860 triệu đồng từ nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ các huyện Sa Thầy, Đắc Hà, Đắc Tô, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông và thành phố Kon Tum chống hạn; hỗ trợ Công ty Quản lý khai thác công trình thủy lợi về kinh phí để mua xăng, dầu, máy bơm, đường ống dẫn nước... Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập 4 đoàn xuống các huyện, thành phố để cùng bà con nhân dân chống hạn.
Hiện nay, chống hạn là việc làm cấp bách của lãnh đạo chính quyền địa phương và bà con nhân dân tỉnh Kon Tum.
AGROINFO – Theo Báo Quân đội nhân dân

 


Tin khác