Là tỉnh ven biển, Cà Mau có nhiều lợi thế để phát nuôi trồng thủy sản, nhất là sản xuất theo mô hình lúa-tôm. Tuy nhiên, thời gian qua năng suất nuôi tôm, trồng lúa của tỉnh tăng rất chậm và thấp xa so với các tỉnh trong khu vực. Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã có nhiều nỗ lực để đưa năng suất tôm-lúa ra khỏi vùng trũng.
Ông Lê Dũng, Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết, toàn tỉnh hiện có trên 294.000 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 264.500ha nuôi tôm. Diện tích đất nông nghiệp trên 97.000ha, với cơ cấu vụ mùa khá phong phú như lúa mùa, lúa lấp vụ hai, một vụ lúa một vụ tôm (lúa-tôm), vụ lúa, vụ màu kết hợp nuôi cá đồng. Nguồn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp rất dồi dào. Tiềm năng lợi thế là vậy nhưng thực tế hiện nay năng suất bình quân cả trên cây lúa lẫn con tôm còn thấp so với các tỉnh lân cận.
|
Kết quả khảo sát năm 2008 cho thấy, năng suất bình quân nuôi tôm của Bạc Liêu là 500kg/ha, Sóc Trăng 1.200kg/ha thì Cà Mau mới chỉ đạt 356kg/ha. Năng suất lúa bình quân của Cà Mau đạt 3,65 tấn/ha, thấp xa so với các tỉnh lân cận như An Giang (6,17 tấn/ha) và Kiên Giang (5,4 tấn/ha). Từ thực tế này, UBND tỉnh Cà Mau đã thành lập Ban chỉ đạo để thực hiện đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất tôm - lúa tỉnh Cà Mau giai đoạn 2009 – 2012 và định hướng đến năm 2015”. Mục tiêu của đề án là đến năm 2011, năng suất nuôi tôm toàn tỉnh đạt 413kg/ha, tăng 16% và năng suất lúa đạt 4,08 tấn/ha, tăng 10,5% so với trước khi thực hiện đề án.
Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như triển khai việc tập huấn kỹ thuật cho các hộ nuôi tôm, trồng lúa nắm vững các quy trình kỹ thuật cơ bản trong sản xuất, tăng cường ứng dụng các biện pháp KH-CN vào sản xuất; tăng cường năng lực, cơ sở vật chất cho lực lượng khuyến nông, khuyến ngư, quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giống; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất tôm - lúa có hiệu quả.
Qua gần 2 năm triển khai thực hiện, toàn tỉnh đã triển khai thí điểm mô hình được khoảng 2.000ha. Riêng năm 2010, triển khai thực hiện 1.280ha, kết quả đạt được rất khả quan. Một số hộ dân đã mạnh dạn đưa các giống lúa cao sản, ngắn ngày như OM 4900, ST 5 và giống năng suất cao như lúa lai F1 vào canh tác trên nền đất tôm đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Cá biệt có những hộ đạt trên 500kg tôm và 6-7 tấn lúa/ha/năm.
Ông Trần Văn Bảy, ở xã Tân Phú, Thới Bình, Cà Mau phấn khởi: “Nhờ được chọn để tham gia thực hiện mô hình trong đề án mà gia đình tôi đã thoát nghèo, có vốn tích lũy để tái đầu tư cho sản xuất”. Theo ông Bảy, với 4ha đất sản xuất nhưng trước đây làm lúa chỉ đủ ăn, tới vụ lại phải mua thiếu chịu vật tư phân bón theo kiểu “ăn trước trả sau” với giá khá cao. Từ khi được cán bộ tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ chuyển đổi sang mô hình lúa – tôm, gia đình đã thoát được cái nghèo đeo đuổi nhiều năm qua và đã có nguồn thu nhập ổn định. Mỗi năm gia đình thu hoạch được khoảng 1,5 tấn tôm và gần 20 tấn lúa, trừ hết chi phí còn lời được khoảng 100 triệu.
Ông Nguyễn Văn Trung, Chi cục phó Chi cục Nuôi trồng thủy sản Cà Mau cho biết thêm, năng suất lúa – tôm của các hộ nông dân tham gia mô hình đều tăng từ 7-10% so với năng suất chung của toàn tỉnh. Cụ thể, năng suất nuôi tôm công nghiệp bình quân đạt 5,8 tấn/ha, tăng 1,8 lần so với năng 2009; tôm nuôi quảng canh cải tiến đạt 580 kg/ha/vụ, tăng 230 kg so với cùng kỳ. Năng suất lúa bình quân đạt 5,2 tấn/ha, tăng 0,8 tấn so với ruộng ngoài mô hình. Điều này cho thấy, nếu được đầu tư một cách bài bản, nông dân được tập huấn và áp dụng thành thạo quy trình kỹ thuật vào sản xuất thì Cà Mau hoàn toàn có thể nâng cao năng suất lúa – tôm lên ngang bằng với các tỉnh trong khu vực.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp nông thôn
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/75305/Default.aspx