Mở cửa thị trường xuất khẩu gạo: Song hành cơ hội và thách thức

15/03/2011

Theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), năm 2011 Việt Nam sẽ mở cửa thị trường xuất khẩu gạo, cho phép doanh nghiệp nước ngoài trực tiếp tham gia. Họ sẽ không phải liên doanh liên kết đầu tư như trước mà thoải mái đứng chung sân với doanh nghiệp trong nước. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thực tế này sẽ tạo ra cơ hội và thách thức song hành cho doanh nghiệp cũng như nông dân, người trực tiếp làm ra hạt gạo.

Bài 1: Bất cập trong cơ chế điều hành
Tính đến thời điểm này, việc xuất khẩu gạo hoàn toàn phụ thuộc vào các quyết định và cơ chế điều hành của một số đơn vị đặc quyền, đã tác động không nhỏ đến tình hình xuất khẩu gạo của nước ta.
Ai được lợi?
Theo nhận định của các chuyên gia, 2011 sẽ là năm có nhiều cơ hội cho các nước xuất khẩu lương thực bởi nguy cơ thiếu lương thực đang ngày càng hiện rõ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu tận dụng tốt cơ hội, các cường quốc xuất khẩu lương thực không chỉ tăng doanh thu ngoại tệ mà còn có thể bứt phá, chiếm lĩnh vị trí cao hơn trên bản đồ xuất khẩu. Tuy nhiên, mới đây Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lại công bố giảm giá sàn gạo xuất khẩu. Theo đó, kể từ ngày 12/03/2011, giá sàn loại gạo 25% tấm là 480 USD/tấn, giảm 10 USD; gạo 5% tấm giảm 20 USD xuống còn 500 USD/tấn. Đây là lần thứ 5 VFA điều chỉnh giá sàn xuất khẩu gạo, kể từ đầu năm đến nay.
Ngay lập tức, đợt giảm giá sàn lần này đã tạo ra một số diễn biến: giá thu mua lúa giảm, nông dân có ý găm hàng; thêm vào đó là lãi suất tín dụng tăng cao đã khiến, doanh nghiệp thêm lúng túng nếu không đảo vòng quay kịp thời.
Điều đáng nói là, tại cuộc họp đầu năm 2011 của VFA, chính ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA đã cảnh báo, việc xuất khẩu gạo giá thấp sẽ gây thiệt hại do nhu cầu mua gạo thực sự xuất hiện trong thời gian tới. Cũng theo ông Phong, Philippines sẽ phải mua ít nhất 1,5 triệu tấn gạo trong năm nay, chủ yếu từ Việt Nam. Giá gạo được dự báo sẽ tăng lên, bởi giá các loại lương thực khác như lúa mì, bắp (ngô) trên thế giới đang tăng mạnh, nguồn cung gạo không dư thừa so với nhu cầu, thiên tai hoành hành ở nhiều nước, ảnh hưởng lớn tới mùa màng. Thêm vào đó, khoảng tháng 6/2011, Indonesia sẽ tiếp tục mua gạo với khối lượng lớn.
Trên thực tế, giá gạo xuất khẩu quyết định giá thu mua lúa trong nước, giá thu mua lúa trong nước lại liên quan trực tiếp đến thu nhập của nông dân. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, vì giá gạo xuất khẩu quyết định thu nhập của nông dân nên giá thu mua lúa phải do nông dân hoặc Chính phủ thay nông dân quyết định. Với cơ chế điều hành như hiện nay, VFA được toàn quyền ấn định giá gạo xuất khẩu và ấn định giá thu mua lúa trong nước. Cũng vì thế, lợi nhuận của nông dân phụ thuộc hoàn toàn vào VFA. Điều bất hợp lý nhất trong cơ chế điều hành xuất khẩu gạo hiện nay là VFA được giao định giá xuất khẩu nhưng lợi nhuận của Hiệp hội lại không tỷ lệ thuận với mức giá đưa ra.
Hiện, Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) chiếm trên 80% lượng gạo thu mua xuất khẩu. Vì chỉ có một số ít doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp nên nông dân thiệt đơn thiệt kép và lợi nhuận bị cấu xén tinh vi qua nhiều khâu. Ví dụ, khi có thị trường tập trung, mua bán theo hình thức đấu thầu, các tổng công ty sẽ định giá lúa gạo trong nước thấp hơn giá bỏ thầu để thu lợi. Đối tác nước ngoài thu mua gạo theo hợp đồng tiếp tục trả giá thấp hơn giá bỏ thầu của các công ty tại thị trường tập trung. Tổn thất chồng chất này thực tế chỉ nông dân và Nhà nước gánh chịu.
Ông Trần Đức Tụng, nguyên chuyên viên Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng: “Tình trạng độc quyền của các tổng công ty trong việc thu mua gạo xuất khẩu còn gây ra nhiều hệ lụy khác. Cụ thể, khi các tổng công ty lương thực chưa cần mua gạo để giãn tiến độ xuất khẩu thì lập tức giá lúa gạo trong nước xuống thấp, khiến nông dân khó khăn trong việc tiêu thụ và bị thương lái ép giá. Ngay lập tức, các tổng công ty lương thực sẽ được Chính phủ hỗ trợ tài chính, tín dụng để mua gạo tạm trữ. Bất cập lớn này của cơ chế điều hành xuất khẩu gạo đã gây bất bình cho người sản xuất, doanh nghiệp ngoài quốc doanh và làm giảm động lực sản xuất”.
Doanh nghiệp, nông dân đều khổ
Có thể khẳng định, cơ chế điều hành xuất khẩu gạo như hiện nay khiến những đối tượng liên quan cùng mệt mỏi. Trở lại thời điểm tháng 9/2010, chỉ trong hơn 1 tháng, giá sàn xuất khẩu gạo thay đổi tăng tới 4 lần khiến lượng gạo xuất khẩu giảm mạnh, đồng thời kéo theo giá thu mua, tiêu thụ giảm theo. Trước sự việc này, doanh nghiệp e ngại thu mua vì giá cao khó xuất, trong khi nông dân nóng lòng muốn bán để thu lời cũng không được. Lý giải cho sự tăng giá sàn xuất khẩu gạo liên tục vào thời điểm ấy, VFA biện minh: để theo kịp với giá gạo của Thái Lan! Còn nhớ, tháng 8/2009, dù website của VFA treo giá xuất khẩu là 430 USD/tấn nhưng doanh nghiệp trực thuộc Vinafood 2 lại xuất giá đối ngoại 400 USD/tấn. Đại diện Vianfood 2 cho rằng, giá sàn tháng 8/2009 là 430 USD/tấn nhưng có thể linh động cho doanh nghiệp hội viên xuất với giá 400 USD/tấn.
Việc Chính phủ ban hành Nghị định 109 có thể coi là bước đột phá để nâng cao khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, trong Nghị định này, vấn đề giá sàn quy định quá chung chung. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá sàn bán gạo xuất khẩu phải được đưa ra trên cơ sở phù hợp với diễn biến của giá gạo thế giới, phù hợp với giá gạo trong nước, phù hợp với giá lúa định hướng hay mặt bằng giá mua lúa gạo hàng hóa trong nước. Trên thực tế, hầu như chưa bao giờ VFA thỏa mãn tất cả các điều kiện này.
Những quy định xây dựng kho chứa lúa gạo trong Nghị định 109 cũng khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn vì sẽ có rất ít doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chuẩn này. Trên thực tế, kho chứa lúa gạo phải được tính toán ở tầm vĩ mô chứ không nên cứng nhắc áp dụng nó làm công cụ để triệt hạ cạnh tranh với quy định có kho chứa mới đủ điều kiện xuất khẩu. Quy định thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải có kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn không những không giải quyết được việc thiếu kho chứa lúa gạo hiện nay mà còn hạn chế cạnh tranh vì thẳng tay xóa bỏ các doanh nghiệp nhỏ. Hiện có rất ít công ty có cơ sở xay xát gạo công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ, có khả năng duy trì thường xuyên mức dự trữ lưu thông 10%. Phần lớn doanh nghiệp phải đi vay mới có vốn mua và xuất khẩu gạo, việc vay vốn rất khó, lãi suất lại cao, dự trữ gạo với số lượng lớn chẳng khác nào vay tiền về để ngắm và trả lãi!
Có một thực tế, dù nông dân là người trực tiếp sản xuất ra lúa gạo và xứng đáng được hưởng lợi nhuận nhưng họ chưa bao giờ có điều kiện và cơ hội để kiểm chứng mức lợi nhuận thực tế đáng được hưởng. VFA có thể thu mua với mức giá thấp và bán với giá cao để thu lợi nhuận vì ngay cả Nghị định 109 cũng không quy định Hiệp hội phải công khai các hợp đồng mua bán gạo xuất khẩu và minh bạch việc ấn định giá thu mua lúa tương ứng với các hợp đồng bán gạo.
Ngoài cơ cấu lại doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, Nghị định 109 được coi bước chuẩn bị cho ngành lúa gạo trước cuộc “đổ bộ” của doanh nghiệp nước ngoài. Mở cửa thị trường lúa gạo sẽ buộc doanh nghiệp nội địa nhìn lại mình, nâng cao năng lực cạnh tranh và nông dân có nhiều cơ hội lựa chọn, quyết định bán sản phẩm với giá có lợi nhất.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn

Tin khác