Thành công trong xây dựng mô hình nông thôn mới

16/03/2011

Cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn thiện đang tạo nền tảng cho diện mạo mới cho các vùng nông thôn của Thái Bình. Bí thư Huyện ủy huyện Kiến Xương, ông Vũ Văn Tuyên khẳng định từ kết quả thành công trong xây dựng mô hình nông thôn mới ở Kiến Xương.

Kết quả xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới ở xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương đã nói lên điều gì, thưa ông?
 
Sau hơn một năm triển khai xây dựng thí điểm nông thôn mới, xã Thanh Tân đã cơ bản đạt được 11/19 tiêu chí, gồm quy hoạch, điện, trường học, bưu điện, nhà dân cư, chợ, hình thức sản xuất, giáo dục, y tế, hệ thống chính trị, an ninh trật tự.
Mặc dù vẫn còn 8 tiêu chí đang được xúc tiến nốt, gồm giao thông nông thôn, thủy lợi, cơ sở vật chất, văn hóa, thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu lao động, môi trường, hộ nghèo, song với những kết quả ban đầu, có thể nói, Thanh Tân đã có một bộ mặt nông thôn mới.
Đặc biệt, công tác xây dựng xây dựng cơ bản, dồn điền, đổi thửa và làm giao thông thủy lợi nội đồng với tổng nguồn đầu tư xây dựng đến thời điểm này là 35,542 tỷ đồng đã bước đầu tạo nên hạ tầng hiện đại hơn, phù hợp với nhu cầu của không chỉ người dân địa phương mà còn tạo cơ hội để thúc đẩy người dân làm kinh tế, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như ở bên ngoài quan tâm.
Cụ thể hơn, Kiến Xương hiện tại có thể được hình dung thế nào, thưa ông?
Năm 2011, Kiến Xương được xác định là một trung tâm xây dựng kinh tế nông nghiệp với những đột phá về thủy lợi, giao thông đồng ruộng, dồn điền, đổi thừa tạo vùng sản xuất. Với các kế hoạch này, Kiến Xương cần khoảng 5.000 tỷ đồng để đầu tư.
Đó là một nguồn tài chính rất lớn. Tuy nhiên, sau những thành công ở Thanh Tân, đến nay 34 xã trong toàn huyện đã quy hoạch xong. Tổng rà soát tự đánh giá với các tiêu chí, Kiến Xương đã đạt 30%, tức là 1/3 quãng đường.
Chúng tôi cũng xác định song song với hoàn thiện cơ sở hạ tầng, việc xây dựng nếp sống mới, thu hút sự quan tâm và chủ động của người dân vào xây dựng nông thôn mới. Người dân nhiều nơi như các xã Bình Định, Vũ Sơn... đã hiến đất để làm thủy lợi, giao thông...
Thưa ông, để hoàn tất các kế hoạch, khó khăn chắc chưa hết?
Chúng tôi có sự ủng hộ của cán bộ, nhân dân trong huyện, đặc biệt là sự chủ động của người dân trong vai trò là chủ thể của các công trình. Điều này không chỉ tạo thuận lợi trong tuyên truyền, vận động mà còn kích thích, động viên sự chủ động của đội ngũ cán bộ trong từng bộ phận
Bên cạnh đó, chúng tôi rốt ráo phối hợp cùng các đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch, xây dựng đề án, chủ động tiến hành các nội dung công việc xét thấy hợp quy hoạch, các vấn đề xã hội, dân sinh mà 19 tiêu chí đã đề ra… để đẩy nhanh tiến độ các công việc. Thực tế cho thấy sự phối hợp chủ động và tích cực của các bên sẽ tạo nên hiệu quả rất lớn trong từng công việc. Đặc biệt, việc tập trung hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng của các dự án đầu tư từ nguồn kinh phí của nhà nước sẽ đảm bảo yêu cầu hiệu quả trong đầu tư của nhà nước, đồng thời tạo cơ sở để thu hút vốn đầu tư của các tầng lớp dân cư, doanh nghiệp trong các hoạt động xây dựng nông thôn mới…
 
AGROINFO – Theo Báo Đầu tư
Nguồn:
 

 


Tin khác