Xuất khẩu tôm sẽ tăng mạnh trong năm 2011

16/03/2011

Năm 2010 khép lại với những thành công đáng ghi nhận trong lĩnh vực xuất khẩu tôm. Bước sang năm 2011, xuất khẩu tôm của Việt Nam đang báo hiệu những bứt phá mới.

Xuất khẩu tôm tăng mạnh
Kể từ năm 2008, sau khi được phép nuôi tôm thẻ chân trắng đại trà trong cả nước, diện tích nuôi tôm thẻ liên tục tăng qua từng năm và đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành tôm.
Năm 2010, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng cả nước gần 25.000 ha (tăng 30% so với 2009), sản lượng đạt 135.000 tấn (tăng 50% so 2009), tập trung chủ yếu tại Quảng Ninh (gần 4.000 ha) và các tỉnh Nam Trung bộ (gần 7.000 ha) với hình thức nuôi chủ yếu là thâm canh.
Tuy nhiên, tôm sú vẫn là đối tượng chủ lực quyết định thành công của ngành tôm, đặc biệt tôm sú cỡ lớn là độc quyền của tôm Việt Nam. Năm 2010, diện tích nuôi tôm sú cả nước đạt 613.718 ha, tăng không đáng kể so với năm trước.
Ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho biết, nuôi tôm thẻ chân trắng nhằm đa dạng hoá sản phẩm tôm nuôi. Tuy nhiên, nông dân nuôi tôm cần quan tâm đến vấn đề chất lượng con giống, bởi vì chất lượng mới tạo ra giá trị, đồng thời cần có biện pháp tăng cường kiểm soát, nâng cao chất lượng, kể cả trong quá trình vận chuyển loại tôm này.
Về xuất khẩu tôm, kết thúc năm 2010, lần đầu tiên xuất khẩu tôm Việt Nam vượt qua con số 2 tỷ USD. Các mặt hàng tôm đã được xuất qua 92 thị trường, tăng 10 thị trường so với năm 2009, trong đó tập trung vào các thị trường Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản…
Riêng trong tháng 1/2011, đã có 198 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tôm sang 58 nước và vùng lãnh thổ khác nhau, thu về 146,5 triệu USD, với khối lượng 16.000 tấn.
Theo Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (Vasep), giá tôm xuất khẩu của nước ta hiện đạt bình quân 9,22 USD/kg, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 2 tháng đầu năm 2011 đã có gần 200 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tôm sang 58 nước và vùng lãnh thổ khác nhau. Xuất khẩu tôm vẫn đứng đầu về giá trị trong số các mặt hàng chính, chiếm 33,7% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Hai sản phẩm chính là tôm sú và tôm chân trắng vẫn tiếp tục tốc độ tăng trưởng mạnh, trong đó tôm chân trắng tăng 50% về khối lượng và 79% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, tôm sú tăng lần lượt 28% và 40%.
Năm 2011 sản lượng tôm Việt Nam tăng cao
Trong những tháng đầu năm 2011, các doanh nghiệp tôm đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nhật, Mỹ, EU, Canađa, Hàn Quốc, vì nhu cầu ở các thị trường này tăng và giá cũng cao hơn. Cụ thể, giá trung bình xuất sang Mỹ cao nhất, đạt 11,75 USD/kg, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp đến Thụy Sỹ 11,51 USD/kg, tăng 15,2%, Canađa 10,62 USD/kg, tăng 11,4%...
Dự báo năm 2011, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ vượt sản lượng 240.000 tấn và doanh thu hơn 2 tỷ USD của năm 2010. Bởi lẽ, theo các chuyên gia, sản lượng tôm sản xuất trong nước sẽ tăng tạo động lực để tăng trưởng sản lượng, đặc biệt là tôm chân trắng.
Thêm vào đó, thị trường được dự báo sẽ ổn định hơn, đặc biệt ở 4 thị trường chính (Nhật, Mỹ, EU, Hàn Quốc), và gia tăng nhập khẩu từ Trung Quốc…
Bên cạnh các cơ hội thuận lợi dự báo giá trị xuất khẩu tôm 2011 sẽ tiếp tục giữ ở mức trên 2 tỷ USD như đã có trong 2010, đạt khoảng 2,1 tỷ USD (tăng không đáng kể so với 2010).
Để làm được như vậy trong năm 2011, ngành tôm Việt Nam phải tiếp tục và tập trung vào liên kết trong sản xuất để kiểm soát hiệu quả các vấn đề kháng sinh mà nhiều thị trường đang đặt ra như một biện pháp hạn chế, bên cạnh đó đẩy mạnh công tác truy xuất nguồn gốc, phát triển quy hoạch các vùng nuôi an toàn, và cuối cùng là tập trung quảng bá, xây dựng thương hiệu cho tôm Việt Nam.
Hy vọng năm 2011, với sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý chất lượng, cùng với sự đồng tâm hiệp lực của các doanh nghiệp, con tôm Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được ngôi vị cao trên thị trường xuất khẩu.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=450110


Tin khác