Nông dân ở các huyện Cầu Kè, Trà Cú và Càng Long (tỉnh Trà Vinh) đã thu hoạch xong 15.000 ha lúa đông xuân xuống giống trong đợt I. Năng suất bình quân đạt gần 6 tấn/ha, tăng 0,4 tấn/ha so vụ lúa đông xuân trước. Đáng mừng là, lúa thu hoạch đúng vào thời điểm các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Trà Vinh nói riêng đang triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo theo chỉ đạo của Chính phủ.
Do đó, thị trường lúa gạo trở nên sôi động, thương lái “đổ xô” về tận ruộng, cả ở vùng nông thôn sâu để mua lúa bán lại cho các doanh nghiệp, nên giá bán cao. Loại lúa thường hạt tròn ( IR.50404) đã làm sạch đủ chuẩn chế biến xuất khẩu hiện có giá từ 5.500- 5.600 đồng/kg. Theo tính toán của nông dân, với năng suất và giá cả như hiện nay, người trồng lúa thu lãi khoảng 16- 18 triệu đồng/ha; r iêng đối các hộ thâm canh tốt đạt năng suất 7- 8 tấn/ha, thực hiện chương trình 3 giảm 3 tăng… có mức lãi cao hơn nhiều.
Trà Vinh hiện còn khoảng 46.000 ha lúa đông xuân chưa thu hoạch, điều đáng lo ngại là ngoài khoảng 21.000 ha xuống giống trong đợt 2 đang bước vào thời kỳ thu hoạch rộ, số còn lại khoảng 25.000 ha xuống giống muộn đang trong thời kỳ đẻ nhánh, lại bị khô hạn, nước mặn bủa vây, bước đầu gây thiệt hại đáng kể. Chỉ tính riêng ở 3 huyện Trà Cú, Cầu Ngang và Châu Thành, hiện có khoảng 4.000 ha bị khô hạn, nước mặn xâm nhập gây thiệt hại từ 30%-70% diện tích, trong đó có một số diện tích bị thiệt hại nặng không còn khả năng cứu chữa, buộc phải phá bỏ.
Trà Vinh đang tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp có liên quan triển khai thực hiện nhiều biện pháp cấp bách bảo vệ lúa đông xuân muộn. Ngành nông nghiệp đã tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống bám cơ sở, phối hợp cùng địa phương huy động tối đa các nguồn lực, khẩn trương nạo vét kênh mương, gia cố lại hệ thống bờ vùng, bờ thửa, đê bao ngăn mặn, trữ ngọt; tranh thủ những con nước rong hàng tháng lấy nước từ thượng nguồn về đồng ruộng để tiếp ngọt, rửa mặn…Riêng Công ty TNHH quản lý, khai thác các công trình thủy lợi phân công cán bộ trực ngày đêm, quản lý chặt việc vận hành các cống đầu mối trong việc ngăn mặn, tiếp ngọt… hạn chế tối đa thiệt hại do ảnh hưởng khô hạn và mặn xâm gây ra./.
AGROINFO – Theo TTXVN