Trồng lúa thời bão giá: Nhà nông tung chiêu độc

14/03/2011

Trong khi nông dân (ND) nhiều nơi đang đau đầu vì chi phí sản xuất tăng cao, thì nhiều ND huyện Cai Lậy (Tiền Giang) vẫn ung dung sống khỏe với nghề trồng lúa. Hàng loạt “độc chiêu” được ND áp dụng để hạ giá thành sản xuất xuống mức thấp nhất.

Mô hình có một không hai
Gần đây, hàng chục hộ xã viên HTX Mỹ Thành (xã Mỹ Nam huyện Cai Lậy) đã áp dụng thành công mô hình “Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu và bệnh virut trên lúa”. Nhiều loại hoa màu như đậu bắp, đậu xanh… được trồng trên bờ bao, vừa tạo thêm thu nhập, vừa lấy hương thơm và màu sắc từ hoa của các loại cây này dẫn dụ thiên địch đến sinh sống, sinh sản … và diệt rầy. Thứ “vũ khí sinh học” này giúp ND hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí sản xuất và góp phần tăng thêm thu nhập cho ND.
Tiến sĩ Lê Hữu Hải – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy cho biết: Lúa trồng theo mô hình này không cần phun thuốc trừ rầy nâu, còn ngoài mô hình thì phải phun thuốc trừ rầy và phun 1 – 2 lần… Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh xóm, ND Trương Văn Phước, phấn khởi: “Tụi tui làm ruộng khỏe re hà! Ra ruộng thấy trên bờ có nhện, ong, lội xuống ruộng thấy chân mình bị chích ngứa (bọ xít mù xanh chích – PV) là về nhà pha trà coi tivi được rồi. Việc diệt rầy có thiên địch lo hết”.
Lợi nhuận tăng thêm gần 40%!
Theo tiến sĩ Hải, nhiều ND Mỹ Thành Nam đã làm cuộc “cách mạng” ngay trên đồng ruộng để nâng cao đời sống và thu nhập. Với việc áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật, ND có thể tăng lợi nhuận bình quân đến 18,25% so với ngoài vùng quy hoạch. Cũng theo tiến sĩ Hải, từ thang 06.2008, ND xã Mỹ Thành Nam thực hiện đăng ký và sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Global GAP. Toàn bộ sản phẩm đạt chuẩn đều được công ty TNHH ADC bao tiêu cao hơn với giá 20% so với thị trường. Cộng 2 khoản này, ND nơi đây có thể lãi thêm gần 40%.
Theo tính toán của anh Trương Văn Bảy – Chủ nhiệm HTX Mỹ Thành, chỉ riêng vụ đông xuân, ND có thể thu lãi từ 30 – 40 triệu đồng/ha (tùy thời giá). Tổng 3 vụ trong năm, mỗi hộ trồng lúa có thể “bỏ túi” từ 80 – 100 triệu đồng. Ngoài sản xuất lúa theo chương trình cho lợi nhuận cao, nhiều ND ở xã Mỹ Thành Bắc và Mỹ Thành Nam còn được Nhà nước cho vay ưu đãi để triển khai dự án chan nuôi lợn nái sinh sản. Tính bình quân mỗi đợt xuất chuồng lợn giống, mỗi hộ lãi từ 20 – 50 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Trãi ở ấp 3, xã Mỹ Thành Bắc cho biết, thu lãi của gia đình anh từ 1,6 ha lúa theo quy trình GAP và đàn lợn là hơn 100 triệu đồng/năm. Ngoài lãi cao từ sản xuất hiệu quả, ND vùng này tận dụng chất đốt từ hầm biogas sử dụng quanh năm không hết. Lượng đậu bắp, đậu xanh thu được trên bờ ăn không hết, ND hái đem ra chợ “đổi” thịt cá, khỏi tốn tiền mua…
"Mô hình trồng hoa chống rầy là mô hình “có một không hai” trên thế giới, thể hiện tính cộng đồng rất cao của bà con nông dân. Mô hình giảm đi sự ô nhiễm của môi trường, hạn chế chi phi phun xịt, tăng lợi nhuận cho nông dân." – Tiến sĩ Ryong Choi – Chuyên gia Nghiên cứu siêu vi khuẩn học (Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế)
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay số 62 ngày 14.03.2011

Tin khác