Triển khai bảo hiểm nông nghiệp theo hướng nào? Thế giới làm được, Việt Nam không lẽ bó tay?

23/03/2011

“Trên hết, cần làm cho nông dân hiểu rằng, họ là chủ thể của BHNN, nên phải có trách nhiệm tham gia, và nếu xảy ra dịch bệnh thiên tai, thì đối tượng chịu thiệt đầu tiên vẫn là nông dân. Việc tham gia BHNN chỉ góp phần giảm thiểu những thiệt hại không đáng có” - Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng nói.

“Ba nhà” cùng góp mặt
Ông Phùng Đắc Lộc, TTK Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho hay, ông đã từng nghiên cứu rất kỹ mô hình BHNN của Trung Quốc, đất nước đông dân nhất Thế giới nhưng có nền nồn nghiệp tương tự như nước ta. Ông Lộc rút ra một điều là, muốn tổ chức triển khai thành công BHNN, cần có sự góp mặt của “ba nhà”, đó là Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông dân – đối tượng được bảo hiểm.
Theo ông TTK Hiệp hội Bảo hiểm, tỉnh Vân Nam, một trong những tỉnh xa trung tâm của Trung Quốc, trước đây, sản lượng thịt lợn chiếm 80% nguồn cung thực phẩm tại tỉnh này. Nhưng trong quá trình chăn nuôi, do tập quán và cách quản lý không đúng kỹ thuật nên đàn lợn thường xảy ra dịch bện, dẫn tới thiệt hại nặng nề. Nhận thức được tầm quan trọng của BHNN, năm ngoái, chính quyền tỉnh này đã đầu tư hơn 300 triệu NDT để bảo hiểm chăn nuôi lợn. Hình thức bảo hiểm này được đông đảo nông dân tham gia bởi tính sáng tạo và hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ BHNN.
Ngay từ khi bắt dầu triển khai, chính quyền đã chỉ đạo ngành thú y thực hiện các biện pháp đảm bảo dịch bệnh cho đàn lợn. Một biện pháp hiệu quả mà họ đưa ra là thu BHNN không trực tiếp từ nguồi nuôi lợn mà thu mỗi con lợn 10 NDT từ các doanh nghiệp chế biến thịt. Công ty bảo hiểm thanh toán với các doanh nghiệp này căn cứ theo số lượng thịt và mức phí đã được chính quyền quy định. Hộ nuôi lợn không phải đóng phí mà vẫn được chi trả bảo hiểm nếu gặp sự cố. Tuy nhiên, không vì “miễn phí” BHNN mà các hộ chăn nuôi không tích cực, bởi lẽ chính quyền quy định nếu dịch bệnh xảy ra, nếu nguyên nhân xác định được là do chủ quan thì các hộ phải chịu phạt, thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Các doanh nghiệp chế biến do cạnh tranh lành mạnh nên cũng chắp nhận việc đóng phí bảo hiểm. Hình thức này được nhân rộng tại 16 huyện, thị của tỉnh Vân Nam. Theo ước tính, số tiền bảo hiểm đã chi trả đền bù cho nông dân nơi đây gần 75 triệu NDT. “Chính biện pháp BHNN hiệu quả này đã góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi lợn phục hồi và tăng trưởng mạnh”, ông Lộc cho biết.
Trao đổi với PV NNVN, Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng cũng cho hay, không chỉ riêng Trung Quốc thành công với mô hình BHNN, ngay đỗi với Mỹ, quốc gia có tỷ lệ nông dân cực thấp nhưng nền nông nghiệp vẫn xếp hạng nhất nhì Thế giới, mức hỗ trợ của chính quyền với sản xuất nông nghiệp lên tới 50%. Lãnh đạo nước này không áp đặt thuế nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp quá cao, chủ yếu hỗ trợ nông dân về mạt khoa học kỹ thuật, phương tiện canh tác, phí bảo hiểm và thường xuyên đầu tư rất lớn cho công tác nghiên cứu giống mới. “Chính nhờ sự hỗ trợ đó, họ bảo vệ nông dân tốt hơn bởi chất lượng và độ an toàn của sản phẩm, một trong những rào cản khó khắc phục nhất đối với các quốc gia mà sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ như nước ta”.
Phải để BHNN tương tự các loại hình bảo hiểm khác
Theo ông Lộc, việc triển khai BHNN thành công của nhiều nước trên Thế giới, trong đó có Trung Quốc với điều kiện phát triển nông nghiệp tương đương với Việt Nam, hoặc Mỹ với tỷ lệ rất nhỏ, là minh chứng khẳng định việc triển khai BHNN ở nước ta là hoàn toàn đúng đắn và có thể thực hiện được. Tuy nhiên, đó là lý thuyết, còn trên thực tế, việc phát triển loại hình BHNN ở nước ta đến nay vẫn chưa tìm được lối ra vì nhiều nguyên nhân, các bên liên quan luôn đổ lỗi cho nhau. Nhưng có một điều hiển nhiên là các dịch vụ trong BHNN chưa đa dạng, nhiều áp đặt và thường gây khó khăn cho người muốn tham gia. Đặc biệt, hộ nuôi trồng nhỏ, hoặc bảo hiểm gia súc, gia cầm là nhưng loại hình thường dễ bị từ chối nhất. Bởi đơn giản, tính rủi ro quá cao.
Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng cho hay, tại một số nước trên Thế giới, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tham gia thị trường BHNN khốc liệt không kém gì các lĩnh vực bảo hiểm khác như nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm vật chất… Chỉ khác một điều, BHNN nhận được nhiều hỗ trợ từ Nhà nước hơn. Ví dụ như ở Mỹ, nơi nông nghiệp trang trại rất phát triển, BHnn thường được nông dân chú trọng. Cho dù nơi đây, nền kinh tế chủ yếu được xây dựng trên nền tảng công nghiệp và dịch vụ,song các nhà lãnh đạo vẫn đánh giá cao vai trò của nông nghiệp. Họ tìm mọi cách bảo hộ hợp pháp nền nông nghiệp của nước mình để tạo sự ổn định cho nông dân, đồng thời giúp nông dân bản địa cạnh tranh được với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu. Trên mặt bằng châu Á và các quốc gia lân cận Việt Nam như Philippin, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc… hình thức BHNN cũng rất đa dạng và được hỗ trợ đầu tư khá công phu.
Từ thực tiễn các quốc gia cho thấy, sự hỗ trợ của Nhà nước trong lĩnh vực BHNN là đặc biệt cần thiết. Tuy nhiên, việc hỗ trợ này phải trên cơ sở khung pháp lý vững chắc, không nhất thiết phải hỗ trợ bằng tiền. Đặc biệt phải có cách thức tăng tính chủ động cho nông dân. “Trên hết, cần làm cho nông dân hiểu rằng, họ là chủ thể của BHNN, nên phải có trách nhiệm tham gia, và nếu xảy ra dịch bệnh thiên tai, thì đối tượng chịu thiệt đầu tiên vẫn là nông dân. Việc tham gia BHNN chỉ góp phần giảm thiểu những thiệt hại không đáng có”, ông Hùng nói.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghệp Việt Nam số 58 ngày 23.03.2011

Tin khác