Hội nhập kinh tế quốc tế và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam

17/03/2011

"Hội nhập kinh tế quốc tế và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam" là chủ đề cuộc Hội thảo do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 16/3, tại Hà Nội. Hội thảo tập trung vào 2 nội dung chính, gồm “Các hiệp định thương mại tự do (FTA) và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam giai đoạn 2011-2020" và " Việt Nam hội nhập ASEAN và những vấn đề đặt ra".

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết: Tham gia Hội thảo là những người trực tiếp làm và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực FTA cũng như vấn đề hội nhập ASEAN. Đánh giá những triển vọng khi Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những ý kiến phân tích cũng như đề xuất tại Hội thảo sẽ góp phần tích cực hoàn thiện Chiến lược đàm phán các hiệp định thương mại tự do đến năm 2020.

Sau khi nghe Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú trình bày khái quát dự thảo Chiến lược đàm phán các hiệp định thương mại tự do đến năm 2020, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, đề xuất những nội dung cần thiết thể hiện trong dự thảo Chiến lược. Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Chí Thành cho rằng: Để xây dựng Chiến lược cũng như thực thi Chiến lược hiệu quả thì trước tiên cần có bộ phận tổng chỉ huy hiệu quả. Quan điểm này được nhiều đại biểu tán thành vì cho rằng, chính cơ chế sẽ quyết định thành công và đề xuất cần tìm một mô hình, cơ chế mới phù hợp, tạo đột phá trong quá trình tham gia FTA. 
Phó Viện trưởng Võ Chí Thành đề xuất cần có nhóm tư vấn giám sát độc lập với chi phí thấp, bộ máy nhỏ gọn được quyền tiếp cận thông tin trong quá trình xây dựng Chiến lược; từng dự án cần phải có nguồn lực thực thi và tổ chức giám sát trong quá trình thực thi. Ông Thành đánh giá cần chọn thị trường đạt yêu cầu về dòng vốn, kiến thức và công nghệ cho một chiến lược lâu dài. Phó Viện trưởng Võ Chí Thành cho rằng, tính liên kết giữa các địa phương hiện còn rất thấp, là trở ngại lớn trong quá trình đàm phán và thực thi sau này. 
Đánh giá này được Nguyên Phó Thủ tướng Võ Khoan đồng tình và chia sẻ tại Hội thảo. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng: Cần có không gian kinh tế thống nhất trong vấn đề này, nếu không sẽ không thể có một nền kinh tế chất lượng cao. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đánh giá hiện nay tình hình thế giới cũng như khu vực có rất nhiều biến động, nên xây dựng Chiến lược trên một bối cảnh như vậy cần đề ra nhiều phương án giải quyết khác nhau. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh: Khi tham gia FTA phải đạt được mục tiêu đưa Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu - đây chính là nội dung quan trọng và là mục tiêu đề ra khi chúng ta xây dựng Chiến lược lược đàm phán các hiệp định thương mại tự do đến năm 2020. Quan điểm này của Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận được sự đồng tình của các đại biểu tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, một số ý kiến cho rằng cần xác định đối tác phù hợp trên cơ sở những khảo sát nghiên cứu tin cậy. Việc lựa chọn công nghệ cần nghiên cứu tìm mô hình phù hợp, tạo điều kiện để Việt Nam thực hiện CNH- HĐH đất nước...
Thảo luận về nội dung Việt Nam Hội nhập ASEAN và những vấn đề đặt, một số ý kiến đề cập tới hướng tham gia ASEAN sắp tới của Việt Nam. 
Năm 2010, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN, ghi dấu ấn Việt Nam cả về nội dung cũng như công tác tổ chức và điều hành sau khi hoàn tất một khối lượng công việc rất lớn và phức tạp. Thành công của Năm Chủ tịch được thể hiện qua những kết quả quan trọng và thiết thực, có tác động lâu dài đối với ASEAN. Kết quả năm 2010 cũng đặt ra một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để có chủ trương và biện pháp xử lý phù hợp. Một số ý kiến cho rằng sắp tới chúng ta cần làm tốt công tác nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình, để từ đó đề ra chủ trương, mục tiêu cụ thể và biện pháp phù hợp. Thực hiện phương châm "chủ động, tích cực và có trách nhiệm" trong tham gia hợp tác ASEAN, chủ động đề xuất và tích cực thúc đẩy các sáng kiến phù hợp và nội dung hợp tác thiết thực; quán triệt đầy đủ cả nhận thức và hành động phương châm "hợp tác và đấu tranh" trong tham gia các hoạt động của ASEAN; kết hợp chặt chẽ giữa ngoại giao giao đa phương và ngoại giao song phương trong việc thúc đẩy các mục tiêu đối ngoại quan trọng...
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú đánh giá: Bên cạnh những cơ hội to lớn, hội nhập ASEAN cũng đặt ra những thách thức quan trọng đó là sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng như hàng điện, điện tử, điện thoại di động... Thực hiện cam kết hội nhập ASEAN cũng đang đặt ra những yêu cầu cấp bách cho việc bổ sung và hoàn thiện thể chế pháp lý trong nước. Thứ trưởng nêu rõ: Một trong những thách thức lớn trong mục tiêu hội nhập ASEAN là sự hiểu biết chưa đầy đủ của xã hội, đặc biệt là giới doanh nghiệp về các vấn đề hội nhập kinh tế của ASEAN... 
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú khẳng định: Hội nhập kinh tế ASEAN, xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN là chủ trương chính trị quan trọng nhất của ASEAN trong những năm gần đây. Cơ hội và thách thức là hai mặt của một vấn đề và tồn tại khách quan. Chúng ta cần thay đổi nhận thức và phương pháp hành động - Thứ trưởng nhấn mạnh ./.
AGROINFO – Theo TTXVN

Nguồn:http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30106&cn_id=450434


Tin khác